12/9/08

Văn hóa Ngôn ngữ và giảng dạy ngoại ngữ

Văn hoá, ngôn ngữ và giảng dạy ngoại ngữ

Trần Thị Lan, Đại học Hà Nội

Văn hoá và ngôn ngữ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Văn hoá là nội dung, và ngôn ngữ là phương tiện truyền tải nội dung đó. Bài viết này không có ý tranh luận về khái niệm của văn hoá mà chỉ tập trung vào một số điểm giáo viên ngoại ngữ cần lưu ý khi chọn lựa tài liệu hoặc biên soạn giáo trình văn hoá-văn minh cho học viên Việt Nam hay người nước ngoài học tiếng Việt.

Tranh luận về văn hoá khó là bởi lẽ nó – văn hoá – “ẩn dấu nhiều hơn là bộc lộ, và kì lạ hơn cả là những gì nó muốn ẩn dấu, nó lại ẩn dấu thành công nhất đối với chủ thể văn hoá của chính mình” (Edward T. Hall). Sau nhiều năm nghiên cứu văn hoá ông cho rằng công việc của chúng ta là làm thế nào để hiểu được văn hoá của nước mình chứ không phải là hiểu một nền văn hoá ngoại. Tuy nhiên đối với giáo viên ngoại ngữ, việc chỉ hiểu nền văn hoá của nước mình không chưa đủ, họ còn phải biết nhiều về nền văn hoá đích nữa. Với các giáo viên Anh ngữ, điều này khó hơn nhiều bởi sự đa dạng của chính ngôn ngữ Anh.

Theo phân chia của Kachru (1993) về các vùng sử dụng tiếng Anh trên thế giới, ở vòng trong cùng (the inner circle), gồm có năm nước nói tiếng Anh như bản ngữ: Anh, Mỹ, Úc, Canađa, và Niu Zilân. Chỉ tính ở vòng này thôi chúng ta sẽ hình dung được sự phức tạp của vấn đề giảng dạy văn hoá cho học viên các lớp nói tiếng Anh tại Việt Nam, nhất là khi học viên Việt Nam có xu hướng phải giao tiếp với các thành viên của các nước trong khu vực, hoặc các nước thuộc vòng 2, nơi tiếng Anh hành chức như ngôn ngữ thứ hai, và 3, nơi nó hành chức như một ngoại ngữ. Việc học và nắm vững văn hoá Anh-Mỹ là cần nhưng chưa đủ, thậm chí rất chưa đủ. Do vậy, giáo viên sẽ thực sự phiến diện khi nói rằng trong giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài không nên hỏi tuổi, và khi gặp một người nước ngoài không nên dùng các câu hỏi đại loại như “đi đâu đấy?”, “Độ này kiếm có khá không?”, “năm nay bao nhiêu tuổi? v.v. Những loại câu hỏi này khá bình thường nếu người tham gia giao tiếp là người Trung Hoa, người Xingapo, hoặc người Thái hay người Lào bởi nó hàm chứa sự quan tâm với người đối thoại như thói quen của nhiều người Việt, nhất là từ những vùng thôn quê, nơi không có mấy dấu hiệu của giao thoa văn hoá phương tây. Suy cho cùng, phần lớn mọi người học tiếng Anh trên thế giới này đâu phải chỉ để giao tiếp với người Anh bản ngữ, và ngay cả bản ngữ cũng có nhiều loại, nếu chỉ nói đến Anh, với dân số 60 triệu người, chỉ có 40 triệu người nói tiếng Anh và ít nhất có tới 4 nền văn hoá khác nhau: Anh, Scôtlen, Bắc Ailen và xứ Oen. Ở Mỹ, có từng ấy số người không biết nói tiếng Anh và họ rất tự hào rằng mình là dân tộc của những người nhập cư (country of immigration), nơi có cái “mô hình lí tưởng của xã hội đa sắc tộc”, nơi mọi mầu da cùng nhau toả sáng như muôn sắc cầu vồng” (Yim, 1996). Trong một môi trường đa văn hoá như ngày nay, khi Liên hợp quốc đưa ra mục tiêu “đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hoá” thì việc hoà mình vào cả cộng đồng đó là việc làm không đơn giản. Và việc xác định đưa nội dung gì vào chương trình văn hoá văn minh cho học sinh tiếng Anh để phần nào thực hiện được mục tiêu đó lại càng khó.

Một vấn đề đáng lưu tâm khi giảng dạy ngoại ngữ nói chung và công tác dịch thuật nói riêng là những yếu tố đặc trưng văn hoá (realia). Tính đặc thù có thể được thể hiện ở các loại từ đặc thù (Vũ Ngọc Vinh, 1997, Vũ Ngọc Cân, 1997), thường là nhóm từ vựng liên quan tới công cụ sản xuất, nếp sống sinh hoạt, lao động. Ví dụ, nhóm từ chỉ bữa ăn có breakfast, brunch, lunch, supper, (high) tea trong tiếng Anh. Trong đó, từ dinner không nhất thiết là bữa tối như ta nghĩ trong tiếng Việt mà nó còn thường được dùng để chỉ những bữa tiệc trang trọng vào buổi trưa ở nhiều vùng của Mỹ như Indiana, Ohio, Kentucky, Tennessee và Massachusetts. Chắc chúng ta sẽ khá “sốc” nếu được mời dạ tiệc giáng sinh vào lúc 2 giờ chiều (Christmas Dinner at 2.00) Từ Supper ở Úc lại có nguyên nghĩa là bữa ăn sau khi đi xem hát về hoặc là bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ sau bữa ăn tối vài giờ. Trong khi đó ở một số vùng của Anh (gần Manchester) thì bữa ăn trưa có thể là lunch hay dinner. Từ dinner thì mang nghĩa trang trọng hơn, từ supper dân dã hơn và thường diễn ra muộn hơn so với lệ thường. Và nếu như bạn mời một người bạn Scôtlen đến TEA thì chắc chắn anh ta sẽ đợi cho đến khi bạn nấu món gì đó cho anh ta xơi chứ không phải chỉ uống trà thôi đâu (nguồn: mạng Giáo viên Anh ngữ thế giới TESL-list on line).

Một nhóm từ khác, girl (cô gái, cô bé), woman (nữ, phụ nữ), lady (quí bà, quí cô) cùng các cách gọi nữ giới Miss (nữ – chưa có gia đình, Mrs. - nữ đã có gia đình, Ms - nữ không rõ tình trạng hôn nhân ) ở độ tuổi thanh niên trở lên có vẻ cũng gây nhiều vấn đề. Với người Việt, khái niệm Phụ Nữ chỉ để chỉ người đã có gia đình. Với người Mỹ, nếu gọi người cùng tuổi là girl hay boy có thể sẽ bị coi là thô. Nhưng nếu gọi một woman làm việc tại văn phòng ở Anh là girl thì cũng không gây vấn đề gì trong ứng xử. Còn ở Việt Nam, chúng ta cứ thử gọi người chưa có gia đình là woman mà xem! Từ lady ở Mỹ khá ít dùng ở nơi công cộng. Tóm lại, girl có thể dùng trong môi trường thân thiện, bạn bè, chỉ để “giggle, quarrel, and make up with” (khúc khích, cãi nhau, làm lành). Từ woman với quan hệ bình đẳng, công việc và lady với các mối quan hệ xã giao, bộc lộ khoảng cách của người tham gia giao tiếp, sự thanh lịch, hay phổ biến dùng trong vũ hội. Tương tự, nhiều người Anh sẽ cảm thấy rất khó chịu khi dùng Ms (trừ các nghệ sĩ dù có gia đình hay chưa cũng thích được gọi là Miss, trong khi đó từ Ms lại khá phổ biến ở Mỹ nhất là 30 năm trở lại đây do kết quả của phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới (theo từ điển New Shorter Oxford Dictionary và các nguồn khác). Do đó, việc chọn dùng từ phù thuộc chủ yếu vào môi trường nói, thời gian nói, và quan hệ với người nói.

Tính đặc thù cũng có thể được thể hiện ở các cấu trúc lời nói khác nhau. Giả sử trong tiếng Anh, khi nhận xét về nhược điểm người ta thường có xu hướng dùng lối nói giảm. Nếu vì một lí do nào đó mà người học hoặc người dịch cứ chuyển dịch tương đương thì câu tiếng Anh trở nên cứng và thô. Điều này cũng có thể coi là một khác biệt khá điển hình với tiếng Việt. Ví dụ:

Tiếng Việt Dịch sát từ Chuyển dịch tương đương
Tôi cho là tôi không có cảm tình với cô ta. I think I don’t like her I don’t think I like her (Tôi không nghĩ tôi thích cô ta)
Con bé đó lắm lời lắm The girl is very talkative The girl seems to be very talkative (Cô bé đó có vẻ nói nhiều)
Cô Hà trông xấu lắm Ms Ha looks ugly Ha doesn’t look very pretty (Hà không được xinh lắm)

Điều này cũng có thể được kiểm chứng qua lối nói chính luận hoặc các loại câu mang tính hành chính sự vụ. Trong những tình huống này, người ta có xu hướng dùng lối nói có vẻ như là rất dài dòng và phức tạp nhưng không có gì mẫu thuẫn với những gì được coi là tư duy đường thẳng, chứ không phải là hình xoắn ốc (Kaplan). Có nghĩa là: đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, nhưng ngôn ngữ phải “mềm dẻo”, tôn trọng qui tắc lịch sự trong giao tiếp công vụ. Xin hãy so sánh cuộc thoại sau:

A. I was wondering if we could meet again on the 24th . (Tôi băn khoăn không biết chúng ta có thể gặp lại nhau ngay 24 được không)
B. As a matter of fact I’m afraid that might be a bit difficult as I have to contact one or two colleagues who I do know are out of the country at the moment so that wouldn’t be very convenient. Perhaps we could give ourselves an extra week. It is quite important that I have a word with them, wouldn’t the following Thursday, the 31st, be better? (Thực ra tôi ngại rằng sẽ có đôi chút phiền phức bởi vì tôi còn phải bàn bạc với một đôi người mà chắc chắn hiện nay họ đang đi công tác nước ngoài và do vậy không thực tiện lắm. Có lẽ chúng ta cần thêm một tuần nữa vậy. Nhất định tôi còn phải bàn bạc đôi lời với họ, có lẽ ngày thứ Năm tới, 31, hợp lí hơn chăng).
Cuộc thoại dài lê thê đó có thể được vắn tắt như sau:

A. I want to meet on the 24th (Tôi muốn chúng ta gặp nhau ngày 24)
B. That’s not suitable. I want the 31st. (Không phù hợp. Tôi muốn ngày 31)
Quả là rất ngắn, rất dễ hiểu. Nhưng nếu dùng như vậy, người nói sẽ vi phạm nguyên lí hội thoại (Nguyễn Đức Dân, 1998), và do đó, khó có thể đạt được thoả thuận tích cực.
Tính đặc thù cũng có thể dễ dàng nhận thấy trong những hành vi thỉnh cầu (Nguyễn Văn Độ, 1997, 1998). Một hành vi được coi là lịch sự và hiệu quả trong ngôn ngữ này chưa hẳn sẽ mang lại lợi ích cho người nói trong một ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, cá nhân tôi chứng kiến một người bạn liên tục thất bại khi “sai” chồng trước mặt khách bằng những câu chứa cụm từ “có thể không?” vốn rất phổ biến trong câu thỉnh cầu tiếng Anh hoặc tiếng Nga (xin nói thêm, cô bạn này là người từng sống và học ở “Tây” nhiều năm và hiện nay đang làm chủ một công ti tư nhân với các đối tác chủ yếu là người nước ngoài).

Người vợ: Anh ở, anh có thể mang cho em mấy chiếc đĩa đó lên lầu ba được không?
Người chồng: không em ạ. Anh yếu lắm.

Tất cả chủ khách đều cười và chính người vợ phải tự làm mọi việc.
Giả sử trong trường hợp trên, người vợ dùng chiến thuật nói nhẹ nhàng, “đánh thẳng vào tình cảm” và nói: “từ sáng tới giờ em chạy lên chạy xuống mệt đứt cả hơi, thế mà còn mấy chiếc đĩa nữa. Hay là tí nữa lên anh cầm luôn cho em với nhé”, có lẽ chị ấy thành công hơn. Tương tự, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn chăng khi nghe con nói: “mẹ mở cửa giúp con với, con thấy ngột ngạt quá!” hơn là thấy con ngồi một chỗ mà gióng giả:”cửa nào cũng đóng, nóng quá đi mất mẹ ạ”.

Tất nhiên, qua các ví dụ chúng ta chỉ có thể đưa ra những kết luận sơ bộ, thậm chí đầy cảm tính. Với ngôn ngữ lại càng khó bởi bản thân nó rất đa dạng, rất sống động, luôn thay đổi. Chính ngôn ngữ giúp chúng ta bộc lộ mình. Ngôn ngữ chính là chúng ta, nghĩa là phản ánh một cách đầy đủ nhất, trực tiếp nhất, khách quan nhất mỗi con người chúng ta- mỗi thành viên của cộng đồng. Thông qua ngôn ngữ (nhất là lời nói) mà người ta dễ dàng nhận dạng được cả cộng đồng. Ví dụ, người Xingapo khi nói thường đệm thêm “la” ở cuối câu (OK la). Và khi đó, nếu ai có thói quen đệm từ “la” trong một số những câu hỏi nào đó, họ rất có thể là người Hoa Xingapo.

Cũng nhờ ngôn ngữ mà người ta dễ dàng nhận dạng được đồng hương đồng quán. Rất phổ biến, nhiều người dân đồng bằng Bắc bộ có thói quen không phân biệt l-n như trong cụm từ: người hàlội, cô gái lết la, hay r-d-gi như trong đi da (ra) di vào, túi dả (giả) da, dã dò (giã giò)… Rõ hơn, khi nghe ai đó gọi là thầy, bầm người đó chắc chắn sống ở vùng đồng quê Phú Thọ, hay ta dễ dàng nhận dạng người dân Nam Bộ qua lối phát âm không phân biệt giữa v và dz như vô (dzô), vướng mắc (dzướng mắc”…. hay n-nh ở cuối từ như ăn và anh, hằn và hành… Hay trong tiếng Anh, nhiều sách ngữ pháp hướng dẫn cấu trúc ngữ pháp: Sth needs + to be P2 hoặc V-ing nhưng cư dân nhiều vùng tại Mỹ, phổ biến nhất là Pittsburgh (Pennsylvania), đến Kansas City, Missouri, miền Bắc Ohio, miền Nam có các thành phố lớn như Cleverland (Detroit) hoặc Chicago và ở Scôtlen hay một số địa phương khác như Yorkshire hoặc Belfast vào những năm 50 của thế kỉ 20 lại khá phổ biến dùng kết cấu sth needs + P2 (ví dụ: my house needs cleaned thay vì phải nói my house needs to be cleaned hoặc cleaning) cho dù một số vùng khác như Illinois thì người ta lại cố gắng thuyết phục học sinh tránh dùng kết cấu này.

Thông qua ngôn ngữ lời nói người ta cũng dễ dàng nhận dạng được từng tầng lớp người trong xã hội. Chẳng hạn, thứ tiếng Anh được giảng dạy cho học viên nước ngoài là thứ tiếng Anh chuẩn mực (RP – received pronunciation) của tầng lớp thượng lưu ở Anh với khoảng 3-5% dân số nước Anh dùng (Trudgill và Hannah, 1986). Thứ tiếng Nga pha trộn với tiếng Pháp trong các tác phẩm văn học Nga thế kỉ 19 là loại ngôn ngữ của các nhân vật đại diện cho tầng lớp quí tộc Nga thời đó. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ lại thiên về lối nói của những người lao động. Những lối nói thông tục lại hay được nghe thấy ở chợ đen, hoặc của những kẻ sát phạt cờ bạc. Lối nói lịch sự, trang nhã lại thường được dùng với các tiểu thư khuê các hoặc của những người có giáo dục v.v.
Xét về nhiều mặt, giáo viên nói chung và giáo viên ngoại ngữ cần phải tạo cho mình một cái nhìn không tĩnh trong giảng dạy. Được vậy, có lẽ chúng ta sẽ có đường hướng hợp lí khi lựa chọn hay thiết kế chương trình, tài liệu giảng dạy.

Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh. 1992. Việt Nam văn hoá sử cương. NXB Tp. Hồ Chí Minh
2. Kachru,b. 1993. The speaking tree: a medium of plural canons. Language and culture in multilingual societies, ed. by M. Tickoo. Singapore: Regional Language Centre
3. Lương Duy Thứ, Phan Nhật Chiêu, Phan Thu Hiền 1997. Đại cương văn hoá phương Đông. NXB Giáo dục
4. Nguyễn Đức Dân. 1998. Ngữ dụng Học. HN: NXB Giáo dục
5. Nguyễn Văn Độ. 1997. Gián tiếp hay lịch thiệp xét trong hành vi thỉnh cầu. Ngữ học trẻ. HN: Hội NNH VN
6. Nguyễn Văn Độ. 1998. Khác biệt trong văn hoá, khác biệt trong hành động tiếng Việt, tiếng Anh. Ngoại ngữ. 12. 1998
7. Taylor, EB. 1871. Văn hoá nguyên thuỷ. Luân Đôn
8. Trần Ngọc Thêm. 1991. Cơ sở văn hoá Việt Nam.
9. Trần Ngọc Thêm. 1996. Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. NXB TP. Hồ Chí Minh
10. Trudgill, P. and Hannah, J. 1986. International English: A guide to varieties of standard English, 2nd edition. Caulfield East, Victoria: Edward Arnold.
11. Vũ Ngọc Cân. 1997. Văn hoá với việc dạy và học ngoại ngữ. Kỉ yếu Ngữ học trẻ. HN: Hội ngôn ngữ học Việt Nam
12. Vũ Ngọc Vinh 1997. Đặc thù tiếng Việt qua một số bản dịch Việt Nga. Ngữ học trẻ. HN: HNNH VN
13. Yim, S. Hawaii’s ethnic rainbow: Shining color, side by side. In trong More Reading Power của Beatrice Mikulecky, Linda Jeffries. 1996. Longman

No comments: