12/1/08

Hoa Kỳ Học _Nước Mỹ Ký Sự

Nước Mỹ ký sự
TP- PV Tiền Phong vừa có dịp đi dọc nước Mỹ từ Bắc tới Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong chương trình “Khách mời quốc tế”. Trong suốt hành trình ấy, chúng tôi được chứng kiến cuộc bầu cử đi vào lịch sử nước Mỹ: Lần đầu tiên một người da màu trúng cử Tổng thống.


Tòa nhà quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh : Việt Hùng
Chỉ vài tháng trước đó, nhiều người còn nghi hoặc về ứng cử viên Barack Obama chỉ vì ông là người gốc Phi. Nhưng có đặt chân tới đây mới thấy ở đất nước rộng lớn của dân nhập cư này, không có gì là không thể xảy ra...
Bài 1: Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ


Ông già ngồi biểu tình trước cổng Nhà Trắng. Ảnh : Việt Hùng
Ông già và túp lều ngay trước cổng Nhà Trắng
Tôi đặt chân thủ đô Washington, D.C của nước Mỹ vào một sớm cuối thu se lạnh giữa một thời khắc đặc biệt của nền chính trị và kinh tế của cường quốc số 1 thế giới : Bầu cử Tổng thống và cơn khủng hoảng kinh tế tầm cỡ thế kỷ.
Điều lạ là, nhìn bề ngoài nước Mỹ chả có dấu hiệu gì của khủng hoảng tài chính, không khí của một cuộc bầu cử Tổng thống sôi động cũng hầu như không hiện diện nơi đây. Sau gần 1 tháng đi dọc nước Mỹ, dần dần tôi mới tự lý giải được điều này…
Thủ đô của một quốc gia có tới 4 múi giờ và rộng lớn thứ tư thế giới này – sau Nga, Canada và Trung Quốc - hóa ra lại nhỏ đến bất ngờ, đúng ra diện tích chỉ tương đương cấp quận (D.C nghĩa là District of Columbia – Quận Columbia). Đó là một thẻo đất ở giữa rừng và nằm kẹp giữa 2 bang Maryland và Virginia.
Thủ đô của Hoa Kỳ có tới 65% dân số là người da đen, ông thị trưởng thành phố này cũng là một người da đen. Sóc và đôi khi là cả hươu nai là những thứ mà du khách dễ dàng bắt gặp trong thành phố này, nhiều tuyến phố ở đây có treo biển cảnh báo giao thông đề phòng thú rừng băng qua đường.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có 50 bang ứng với 50 chính quyền và quốc hội riêng, luật pháp riêng, nhưng không được mâu thuẫn với hiến pháp liên bang – một văn bản lâu đời được thông qua từ năm 1787.
Chính vì thế mà anh bạn ở thủ đô Washington, D.C thường rủ tôi đi ăn tối ở bang Maryland kế bên, bởi luật pháp ở bang này quy định “tất cả những gì bỏ vào mồm ăn đều không bị đánh thuế”, nên giá cả mềm hơn nhiều so với Washington, D.C.
Quốc hội Mỹ ngự trên cao nhất - đồi Capitol, rồi đến Nhà Trắng, nhà tưởng niệm hai vị Tổng thống Thomas Jefferson (1801-1809) và Abraham Lincon (1861-1865), tháp Washington – biểu tượng của nền dân chủ Hoa Kỳ, công viên quốc gia nơi có bức tường đá tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đại lộ Pensylvania… là những nơi được du khách ghé thăm nhiều nhất.
Dường như bức tường đá đen kịt dài hun hút ghi tên những người lính Mỹ tử trận tại Việt Nam nằm giữa công viên quốc gia rộng mênh mông và thanh bình này ở Washington, D.C vẫn đang ẩn hiện một nỗi đau lớn trong lòng nước Mỹ.
Những bó hoa tươi, những tấm ảnh người thân tử trận, những đoàn người dài tít tắp lặng lẽ đi dọc bức tường đã nói lên tất cả. Tôi bắt gặp những ông bà già người Mỹ run rẩy sờ tay lên những hàng chữ vô hồn, chắc họ đang cố tìm tên đứa con thân yêu của mình, và cả những cặp vợ chồng trẻ dắt con nhỏ tới đây, họ đang say sưa giảng giải điều gì đó cho cậu con trai bé bỏng.
Ở cuối lối ra có đặt một cuốn sổ để du khách tiện tra tên tuổi trên những phiến đá có đánh số thứ tự trên bức tường, không biết đã có bao nhiêu người Mỹ đã lần giở cuốn sổ này, chỉ biết nó đã cũ mòn đến quăn cả mép…
Có một “bí mật” mà ít người biết về kiến trúc của khu vực này, cô Lisa Damico thuộc tập đoàn truyền thông Capital, người hướng dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng Washington, D.C tiết lộ : “Mắt của bức tượng Tổng thống Lincon trong nhà tưởng niệm nhìn thẳng vào cơ quan lập pháp - tòa nhà quốc hội Mỹ, còn mắt của Tổng thống Jefferson thì nhìn thẳng về cơ quan hành pháp - Nhà Trắng.
Nơi giao nhau của hai ánh mắt chính là tòa tháp Washington bằng đá cẩm thạch cao vút – biểu tượng cho nền dân chủ vĩnh cửu như hai ông hằng mong muốn”. Nghe nói, có quy định không một tòa nhà nào được phép xây dựng cao hơn tòa nhà quốc hội Mỹ ngự trên đồi Capitol.


Tháp Washington. Ảnh : Việt Hùng
Giữa giá lạnh đầu đông của Washington, D.C, ngay trước cổng Nhà Trắng có một ông già ngồi biểu tình chống chiến tranh trong một túp lều. Anh bạn sống ở Washington, D.C cho hay, ông đã kiên gan ngồi ở đây ròng rã nhiều năm trời mặc cho du khách thập phương thoải mái chụp hình.
Ở nước Mỹ, chuyện này là hợp pháp và nhiều người dân nơi đây còn gọi “ông già và túp lều” ngay trước cửa Nhà Trắng cũng là một thứ “biểu tượng” sống của nền dân chủ Mỹ. Hôm chúng tôi tới thăm trường ĐH George Washington, cũng bắt gặp cảnh hàng chục người da đen đang hò reo biểu tình sôi động cả một góc phố đối diện.
Chuyện về kiểm tra an ninh và luật pháp Mỹ
Thoạt tiên, du khách dễ có một cảm giác quá đỗi yên ả và thanh bình ở thủ đô cổ kính (thành lập từ năm 1790) và tuyệt đẹp này, nơi trung tâm đầu não chính trị của nước Mỹ.


An ninh luôn thắt chặt tại Mỹ Ảnh: Việt Hùng
Nhưng nếu bạn có ý định bước chân vào các trụ sở công quyền như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, thậm chí là cả tòa soạn báo như Washington Post, hẳn bạn sẽ cảm thấy choáng bởi việc kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hệt như khi đi máy bay ở Mỹ vậy, áp dụng cho tất cả mọi người bất kể bạn là ai, ngoại trừ nhân viên sở tại có đeo thẻ từ.
Chính vì vậy mà trong lịch làm việc của chúng tôi tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có ghi rõ “dành 15 phút cho công tác kiểm tra an ninh”, song trên thực tế còn lâu hơn thế. Nhìn những nhân viên an ninh Mỹ, đa phần là người da đen to cao lừng lững, mặt lạnh tanh với súng ống và cả chục thiết bị khác đeo kín quanh người khiến chúng tôi có phần ái ngại…


Trụ sở Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Ảnh : Việt Hùng
Trụ sở Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tọa lạc trên đại lộ New York nom uy nghiêm và rộng mênh mông, nơi có cơ quan điều tra liên bang FBI khét tiếng. Địa điểm chúng tôi ghé thăm là Cục Dân quyền (Civil Rights Division), bộ phận này được thành lập năm 1957 với trách nhiệm thực thi các luật liên bang cấm phân biệt đối xử trong các lĩnh vực như: Giáo dục, việc làm, nhà ở, cho vay, tiện nghi công cộng, thực thi luật pháp/sai phạm của cảnh sát và bầu cử.
Mỹ là đất nước của những người nhập cư, chính vì vậy Luật Liên bang Hoa Kỳ “nghiêm cấm mọi sự phân biệt về nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, màu da, tôn giáo, tật nguyền, giới tính và tình trạng gia đình của con người”.
Để mọi công dân Mỹ có thể hiểu dễ dàng và tự bảo vệ mình, Bộ này đã cho in ấn và phát hành một cuốn sách hướng dẫn ngắn gọn bằng nhiều thứ tiếng (trong đó có cả tiếng Việt) nhan đề “Các bảo vệ của liên bang trước sự phân biệt vì nguồn gốc dân tộc”. Người ta đưa ra các tình huống mà ai phạm phải đều bị coi là đã phạm luật, còn người bị xâm phạm có quyền khởi kiện.
Chẳng hạn: “Một tổ chức chăm sóc sức khỏe bệnh nhân có bảo hiểm y tế nói với một phụ nữ Mỹ gốc Mexico bị bệnh bại não ngày khác hãy đến khám, trong khi lại tiếp bệnh nhân khác ngay lập tức” (quyền của người tật nguyền). “Một đứa trẻ nói tiếng Anh khó khăn nhưng trường em không có những biện pháp cần thiết để giúp em học tiếng Anh và những môn khác” (quyền Giáo dục ).
“Cảnh sát liên tục chặn xe do người gốc Mỹ la tinh lái khi vi phạm một vài loại luật lệ giao thông, nhưng hiếm khi yêu cầu người lái xe da trắng dừng xe vì những vi phạm tương tự” (mục vi phạm của cảnh sát). “Trong một tiệm ăn, một nhóm người Mỹ gốc Á đợi hơn một giờ mới được phục vụ trong khi khách hàng da trắng và gốc Mỹ Lating được phục vụ nhanh chóng” (mục tiện nghi công cộng)…
Bên dưới mỗi ví dụ trên đều ghi rõ “Trường hợp này có thể vi phạm luật Liên bang cấm phân biệt trong…. Nếu quí vị nghĩ mình bị phân biệt có thể liên hệ Vụ…, số điện thoại… hoặc viết thư về địa chỉ…”. Thậm chí trong mục về quyền của người tật nguyền còn ghi thêm cả số điện thoại dành cho người điếc. Cuối cuốn sách hướng dẫn này còn ghi chú rõ, đại ý: xin đừng gác máy nếu quí vị không dùng được tiếng Anh, hãy cho biết quí vị đang dùng ngôn ngữ gì để Tổng đài viên đi tìm người phiên dịch.
Một người Việt sống lâu năm bên Mỹ nói với tôi, ở bên này cứ đúng luật mà làm thì chả sợ gì, dân Mỹ ai cũng sợ bị kiện nên luật pháp được tự giác thực hiện.
Anh bạn đồng nghiệp Việt Nam đi cùng tôi có lần ăn trưa trong một quán nhỏ ở thành phố Jacksonville bang Florida đã bị nhân viên phục vụ hỏi ID (chứng minh thư/hộ chiếu) khi gọi một chai bia. Chả là luật của bang này cấm uống rượu bia đối với người dưới 21 tuổi, còn anh thì lại nom nhỏ nhắn và trẻ hơn tuổi ngoài 30 khá nhiều.
Hút thuốc lá ở nơi công cộng (công sở, nhà hàng…) cũng bị cấm tại tất cả các bang, thậm chí các sân bay của Mỹ cũng không hề có phòng hút thuốc như các sân bay khác ở châu Âu hay châu Á. Hầu hết các khách sạn cũng không cho phép hút thuốc trong phòng, nhiều khách sạn đề rõ mức phạt lên tới 250USD vi phạm, họ gọi đó là phí làm sạch môi trường (Clean fee).
Trước khi qua Mỹ, vị giám đốc một ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng đã từng kể với tôi, anh đã hút phải một điếu thuốc đắt nhất trong đời tại một phòng khách sạn ở New York, “giá” của nó là 200 USD ! Những ai nghĩ nước Mỹ là chốn ăn chơi, thì nên biết điều này : Mại dâm là nghề bị cấm tiệt trong luật pháp ở hầu hết các bang.
Tôi đã bay dọc nước Mỹ từ Bắc (Washington, D.C) tới Nam (Sandiego, California) qua cả chục sân bay nội địa ở đất nước này, thú thực mỗi lần kiểm tra an ninh (check in) là một lần “toát mồ hôi hột” vì lo ngộ nhỡ sót cái gì đại loại như vật kim loại sắc nhọn hay một con dao nhỏ gọt hoa quả… trong hành lý xách tay, bởi luật an ninh nội địa của Mỹ ghi rõ “phạt 5 năm tù và 250.000 USD nếu mang súng hoặc dao lên máy bay” bất kể vô tình hay cố ý.
Ngoài việc bắt buộc phải cởi giầy, thắt lưng da cùng mọi thứ liên quan, có lần anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi còn phải chui vô một buồng kính và chịu một luồng không khí thổi phù phù từ đầu tới chân, vì bị các nhân viên an ninh hàng không Mỹ nghi ngờ điều gì đó.
Chắc hẳn với mong muốn hành khách thông cảm với cảnh khám xét phiền hà này, mà trước sảnh check in ở nhiều sân bay đều thấy treo tấm pa nô to tướng với dòng chữ: “Hãy nhớ ngày 11/9, chúng tôi làm tất cả vì sự an toàn của các bạn !”. Để đặt chân vào nước Mỹ, bạn sẽ phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay cả 10 ngón tới 2 lần: Lúc xin visa và ngay tại cửa khẩu.


Khu Ground Zero, nơi tòa nhà WTC bị san phẳng, giờ đây vẫn còn ngổn ngang công trường. Ảnh : Việt Hùng
Có đến khu Ground Zero ở New York, nơi tòa tháp đôi WTC bị san phẳng trong vụ khủng bố 11/9/2001 mới cảm nhận được hết sự kinh hoàng của người dân Mỹ tới mức nào. Đó là một khu vực san sát nhà chọc trời cách phố Wall tấp nập chỉ dăm mười phút đi bộ và cách quảng trường Thời đại lộng lẫy ánh đèn cũng chỉ chừng ấy phút đi tàu điện ngầm.
Giờ đây, khu vực này vẫn là một công trường ngổn ngang được quây lại bằng lưới sắt. Ngay cạnh đó, có một bức tường khắc phù điêu cảnh những người lính cứu hỏa dũng cảm của New York đã ngã xuống. Dòng người tới thăm khu Ground Zero những ngày này vẫn đông nghịt, nhiều người mang hoa tươi tới đặt dưới chân bức tường tưởng niệm.


Người phụ nữ này đứng lặng trước bức tường tưởng niệm những người lính cứu hỏa New York đã hy sinh trong vụ 11/9. Ảnh : Việt Hùng
Đặt chân đến thành phố lớn nhất nước Mỹ với ngót chục triệu dân, luôn sôi động và không bao giờ ngủ này (các dịch vụ ăn chơi ở khu down town mở cửa suốt đêm), đến trung tâm tài chính và mua sắm lớn nhất thế giới, đứng lọt thỏm trước ngút ngàn nhà chọc trời trên nền của tòa tháp đôi bị san phẳng kia, tôi mới thấu hiểu vì sao việc kiểm soát an ninh ở đất nước này lại phải thắt chặt tới mức “ngộp thở” như vậy.
Kỳ sau: Người Việt và "giấc mơ Mỹ"
Nguyễn Việt Hùng
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=144498&ChannelID=5

Nước Mỹ ký sự - Bài 2:
Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
>> Bài 1: Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ
TP - Qua bờ bên kia của dòng sông Potomac êm đềm đẹp như tranh thủy mặc ở Washington, D.C là Virginia, nơi có những khu biệt thự và trang trại rộng lớn nằm giữa rừng của những triệu phú, tỉ phú Mỹ. Nơi này, ai đó gọi là “thiên đường” của nước Mỹ chắc cũng không sai.


Tháp Washington tại thủ đô nước Mỹ. Ảnh : Việt Hùng

Vừa lái xe chầm chậm lượn một vòng quanh những trang trại mênh mông, đẹp như trong chuyện cổ tích giữa nắng nhẹ cuối thu vàng rực rỡ, anh bạn tôi vừa kể “cứ cuối tuần, thỉnh thoảng họ lại bỏ những đồ cũ đủ thể loại ra vườn, ai muốn lấy xin trả 1 đô”. Tôi đoán việc phải trả 1 đôla chắc cũng mang một thông điệp tượng trưng nào đó của người giàu Mỹ, đại loại như “chả có thứ gì tự nhiên mà có” chẳng hạn.
Bên cạnh vẻ đẹp thanh bình và thịnh vượng của thủ đô nước Mỹ, có những hình ảnh nhếch nhác của những người vô gia cư. Họ xuất hiện khá nhiều ở những nơi công cộng.
Ngay bên đường trước trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và kế bên là trụ sở chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – hai định chế tài chính lớn nhất thế giới – là hàng đoàn người vô gia cư xếp hàng vào mỗi buổi chiều để nhận phần ăn từ một chiếc xe tải, chắc của một tổ chức từ thiện nào đó.


Người vô gia cư chờ phát đồ ăn mỗi buổi chiều ngay trước trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới tại Washington, D.C Ảnh: Việt Hùng
Người Việt chiếm lĩnh nghề sơn sửa móng tay
Một số người Mỹ giải thích với tôi rằng, số vô gia cư trên là những người nghèo nhưng lười lao động, có người lại thích cuộc sống vật vờ đó (?!), chứ chính quyền ở hầu hết các bang của nước Mỹ đều có chính sách và những khu nhà dành riêng cho họ.
Một Việt kiều Mỹ đang kinh doanh cửa hàng Convenience Shop (giống như cửa hàng tạp hóa ở ta) bên một góc phố tại thủ phủ Austin bang Texas nói vui với tôi rằng, anh đang muốn trở thành người nghèo ở Mỹ, bởi những nỗ lực kinh doanh của anh trong nhiều năm qua liên tục thất bại, bởi nếu được chính quyền công nhận là nghèo, anh sẽ được trợ cấp, không phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm y tế và nhiều thứ khác…
Nhưng rồi anh nói, ở đất nước của dân nhập cư này, mọi người đều phải biết khẳng định chính mình và nỗ lực vươn lên, bởi xã hội Mỹ có sự cạnh tranh khốc liệt và chả “kiêng nể” bất cứ ai, mọi vị trí từ người lau chùi toilet trở lên đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao độ, nếu không sẽ bị mất việc ngay lập tức.


Một chủ tiệm Nail người Việt tại Mỹ (ảnh phải) Ảnh: Đỗ Hùng
Những công việc tưởng chừng như đơn giản như sơn sửa móng tay (nail) hay cắt tóc, ở ta không cần chứng chỉ bằng cấp gì cũng hành nghề được, thì ở Mỹ lại khác. Người Việt gần như độc chiếm nghề làm nail bên Mỹ, ai đó nói ở đâu có tiệm nail ở đó có người Việt quả không sai.
Chị Huệ, một chủ tiệm nail tại thị trấn nhỏ Paris, bang Illinois cho biết, chị phải học trong thời gian 1 năm mới có chứng chỉ hành nghề, nếu thi trượt có khi phải chờ tới 6 tháng sau để thi lại. Nghề cắt tóc cũng vậy, thường phải học ít nhất 3 tháng.
Bên cạnh tay nghề, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách hàng. Chẳng hạn như, ống xi phông trong bồn rửa chân, rửa tay bắt buộc phải được cọ rửa vệ sinh ngay sau mỗi lần phục vụ cho một khách, để tránh việc lây nhiễm các bệnh ngoài da.
Có tiệm đã bị phạt rất nặng về chuyện này vì lười cọ rửa, sau này một số tiệm đã rút kinh nghiệm đầu tư loại bồn rửa tự động.
Ngay ở sân bay Los Angeles, California, tôi cũng gặp và chuyện trò với một Việt kiều khác, tên là Young Nguyễn. Anh hiện là thợ điện bậc cao với mức lương lên tới 40USD/giờ (lương tối thiểu ở Mỹ từ 7-8USD/giờ, tùy bang). Đây là lần thứ 5 anh trở lại Việt Nam thăm cha mẹ và người thân nhân chuyến nghỉ phép.
Ngày 28/4/1975, trước sự tấn công như vũ bão của quân giải phóng, người lính hải quân ngụy này mới ở tuổi đôi mươi đã cùng phân nửa lính trên tàu chiến hoảng hồn rồ máy chuồn tuốt sang Philippines, rồi được đón qua Mỹ.
Sang Mỹ, không gia đình người thân, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, anh đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ dân nhập cư với khát vọng cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp hơn - điều mà người ta hay gọi là “giấc mơ Mỹ” (American Dream).
Tranh thủ đủ mọi cách để học tiếng Anh, đi làm thuê đủ nghề, rồi từ đó học nghề và ngoi ngóp trong vòng xoáy bất tận của “giấc mơ Mỹ”, cuối đời anh cũng có quyền sở hữu một căn nhà xinh xắn, hai đứa con vừa tốt nghiệp ĐH Mỹ nhưng không nói được tiếng Việt, và một bà vợ vừa ly dị.
Anh cho biết vài năm nữa sẽ nghỉ hưu với mức lương cỡ 2.000USD/tháng. Mức này mà sống tuổi già cô đơn bên Mỹ cùng với một người giúp việc thì không đủ. Chính vậy, anh tiết lộ sẽ đem lương hưu này về VN sống, chắc chắn ổn. Tôi đùa mà thật với anh rằng, không những anh thuê được Ôsin mà nếu muốn còn lấy được vợ trẻ nữa là đằng khác.
Tôi hỏi Young Nguyễn, sao suốt mấy chục năm qua anh không bảo lãnh cho cha mẹ hay anh em gì qua. Anh cười méo mó mà rằng: “Một mình tui chui vô cái American Dream là đủ rồi, cực lắm anh ơi! Về Việt Nam sống khỏe hơn”.
Giọng anh trầm xuống: “Người Việt mình bên này cũng có nhiều người rất nghèo, làm không đủ xài, muốn về Sài Gòn một chuyến chơi cũng hổng có tiền mà mua vé”.
Young Nguyễn tâm sự, anh đang ấp ủ một ngày trở về quê hương và muốn tham gia dạy không công về vận hành lưới điện cao thế cho một trường dạy nghề nào đó tại Việt Nam.
Anh nói: “Tôi là một chuyên gia về lĩnh vực này bên Mỹ, lương cao hơn cả kỹ sư, tôi nghĩ nếu được đem những kiến thức này dạy cho thợ điện bên mình chắc đã lắm”.
Mất việc là mất tất cả
Trong chuyến đi dọc nước Mỹ, tôi cũng có dịp gặp gỡ nhiều người Việt thành đạt. Một tiến sĩ về công nghệ thông tin đang làm trưởng một bộ phận của một tổ chức quốc tế lớn tại Washington, D.C, lương anh đủ nuôi cả gia đình gồm vợ và 2 con nhỏ, xe hơi đời mới bóng loáng, một ngôi nhà riêng xinh xắn trị giá nửa triệu đô bên Virginia cách nơi anh làm việc khoảng 30 phút đi tàu điện ngầm.
Anh là một người Việt luôn đau đáu, trăn trở về quê hương, về người mẹ nông dân đã ngoài 80 ở vùng chiêm trũng Ninh Bình.
Sống giữa thủ đô nước Mỹ, nơi làm việc cũng cận kề ngay Nhà Trắng, ấy vậy mà chuyện gì ở Việt Nam anh cũng rành nhờ thói quen đọc báo qua mạng hàng ngày, trong đó có cả tờ Tiền Phong Online.
Ngôi nhà nửa triệu đô anh mới tậu được khoảng 2 năm nay bằng tiền vay nhà băng, mỗi tháng trung bình anh phải dành một phần ba lương để trả tiền mua nhà.
Nếu trả góp đến khi về hưu, tổng cộng số tiền anh bỏ ra phải lên tới 1 triệu đô hoặc hơn thế. Anh cho hay, bên Mỹ là vậy, cứ có job (việc làm) ổn định, là có ngay tất cả từ xe hơi tới nhà cửa, xã hội Mỹ quan trọng nhất là phải có truth (niềm tin) thì nhà băng sẽ lập tức mở hầu bao cho anh mua chịu (credit) mọi thứ.
Chính vì vậy mà mất việc làm sẽ đồng nghĩa với mất tất cả, thậm chí ngôi nhà đang ở cũng sẽ bị thu hồi nếu không còn khả năng chi trả. Anh bảo với tôi, đó chính là vòng xoáy khắc nghiệt của “giấc mơ Mỹ” nhưng cơ hội là công bằng cho tất cả mọi người.
Ai đó muốn tới Mỹ để hưởng thụ mà không làm gì, không lao tâm khổ tứ, nên chuẩn bị sẵn túi ngủ để tham gia đám người vô gia cư.


Kiến trúc sư Vũ Thiện Trí - Một Việt kiều thành đạt tại Mỹ
Vũ Thiện Trí, một kiến trúc sư khá nổi tiếng ở Jacksonville, Florida cũng là một người Việt nhập cư thành đạt với “giấc mơ Mỹ”. Anh rời Việt Nam từ năm 1975 khi mới 20 tuổi, học hành bài bản, nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt, lấy vợ Mỹ, và hiện đang sở hữu một Cty về kiến trúc với nhiều nhân viên là kiến trúc sư người Mỹ.
Nhiều công trình kiến trúc ở Jacksonville có dấu ấn kiến trúc của anh, trong đó có công trình chiếu sáng cây cầu bắc ngang qua dòng sông giữa thành phố này, một điểm nhấn tuyệt đẹp ngay giữa trung tâm Jacksonville thơ mộng. Người Việt mà thành đạt trong lĩnh vực kiến trúc vốn là sở trường của người da trắng như anh quả là chuyện hiếm ở Mỹ.
Anh tự lái chiếc xe BMW đưa chúng tôi về nhà riêng, ngôi nhà xinh xắn nằm sát bìa rừng này cũng do chính anh thiết kế và tự thi công. Anh và người vợ Mỹ (cũng là đồng nghiệp của anh tại Cty) đã trổ tài nấu toàn món Việt rất ngon để chiêu đãi chúng tôi cùng những người bạn Mỹ.
Nhìn Vũ Thiện Trí thoăn thoắt nướng chả, gói nem, tôi thán phục: “Quả là một đầu bếp có hạng!”. Anh phân trần: “Tôi rất thích nấu ăn. Hơn nữa, ở nước Mỹ này không ai lo cho ai cái gì cả, tự mình phải làm lấy tất”.
Nhìn dáng phong trần, khuôn mặt cá tính, tác phong cực kỳ nhanh nhẹn của người đàn ông đã sống hơn 30 năm trên đất Mỹ này, một lần nữa tôi hiểu thế nào là “giấc mơ Mỹ” – một cụm từ đã trở nên nổi tiếng tại Hoa Kỳ, nhưng không dễ gì có thể định nghĩa được nó.
Đang ăn, Vũ Thiện Trí ngoắc tôi xuống tầng hầm, nơi có một góc Việt của riêng anh, rồi bật cho tôi nghe một bài hát Việt.
Anh trầm ngâm : “Tôi nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt, nhưng không thể nào quên được cội nguồn. Tôi về Việt Nam nhiều lần rồi, toàn đi một mình vì vợ không hiểu những nơi mình thích, những kỷ niệm tuổi thơ…”.
Tôi hiểu, tình yêu quê hương, xứ sở trong anh luôn âm ỉ, khôn nguôi.
(Còn nữa)
Nguyễn Việt Hùng
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=144612&ChannelID=5

Cuộc sống nông dân Mỹ
>> Bài 2: Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
>> Bài 1: Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ
TP - Trong hành trình đi dọc nước Mỹ, tôi đã gặp những nông dân Mỹ chính hiệu, có thu nhập tới 90.000 USD sau thuế mỗi năm, một tay họ làm mà đủ nuôi cả một gia đình sống sung túc.


Brad Tucker đang thu hoạch ngô bằng máy liên hợp. Ảnh : Việt Hùng
Chứng kiến công việc và cuộc sống của nông dân Mỹ, lại chợt nghĩ về những người nông dân một nắng hai sương ở quê nhà.
Một “lão nông” điển hình
Té ra nông dân Mỹ cũng giống nông dân mình, đó chính là sự cởi mở, chân chất và đặc biệt mến khách.
Có lẽ đồng ruộng nơi nao cũng giống nhau cả thôi, “thế giới phẳng” này vẫn hun đúc nên cái đức tính quý hiếm của những người nông dân cần cù bao đời vẫn vậy, dù là ở tận nơi cách ta cả nửa vòng trái đất.
Chỉ khác biệt một điều nông dân Mỹ sống sung túc quá!
Từ sân bay ở thủ phủ Indanapolis, bang Indiana, chúng tôi chạy xe trên đường cao tốc một mạch 200 cây số, giữa ngút ngàn cây xanh và cánh đồng ngô đang mùa thu hoạch, tới một thành phố trùng tên với thủ đô của nước Pháp – Paris (bang Illinois).
Paris là một thành phố rất nhỏ ở miền Trung, vẻn vẹn chỉ có 9.000 dân, bao quanh nó là những cánh đồng ngô và đậu tương trải dài bát ngát. Nơi đây chính là một trong những vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất nước Mỹ.
Giữa thành phố, bên cạnh những siêu thị Wal Mart, CVS nổi tiếng lại có cả một siêu thị khổng lồ chuyên bán đồ cho nông dân
Ngoài các loại máy móc phụ tùng nông nghiệp hiện đại, còn nhiều thứ đồ dùng khác cho một nông dân chuyên nghiệp như giầy da cao cổ, găng tay da, quần áo bò, bộ đàm, đèn pin chuyên dụng…


Ngôi nhà của gia đình nông dân Brad Tucker . Ảnh : Việt Hùng
Chúng tôi tới thăm trang trại của một “lão nông” Mỹ chính hiệu, anh là Brad Tucker, nông dân Mỹ đời thứ 5 của dòng họ Tucker ở vùng này. “Lão nông” năm nay mới ngoài 50 tuổi, nom to cao lực lưỡng như dân cao bồi miền Tây.
Gia đình anh (gồm bà xã Lisa dịu dàng và hai đứa con: con gái lớn Samatha 14 tuổi, cậu út Robbie 5 tuổi) ở trong một ngôi nhà - gọi là biệt thự cũng không ngoa - có hàng rào gỗ thấp sơn trắng giữa thảm cỏ và vườn cây xanh mướt. Ngó vô gara thấy 2 chiếc ôtô đời mới bóng loáng, kế bên khuôn viên là một nhà xưởng để máy móc và nhà kho, ngoài kia là cánh đồng bát ngát rộng hàng trăm mẫu Anh.
Cái nhà xưởng với đủ thứ máy móc liên hợp hiện đại mà lần đầu tiên trong đời tôi tận thấy, chắc hẳn cũng đủ dùng cho cả một xã bên ta. Cái gọi là nhà kho nhưng nom từa tựa như tháp nước, làm bằng thép không gỉ cao lừng lững, bên trong chứa đầy ngô.
Chị Lisa trực tiếp lái xe chở chúng tôi cùng 2 cháu nhỏ ra cánh đồng ngô nơi “lão nông” đang thu hoạch. Tucker đang chỗm chệ trên chiếc máy liên hợp cao ngất ngưởng, giữa những luống ngô dài tít tắp, bắp nào cũng to và dài hiếm thấy.
Cái máy do Tucker điều khiển vừa chạy vừa phun rào rào từ trên nóc xuống những hạt ngô vàng óng ả sang thùng chiếc xe tải cỡ bự chạy song song. Máy chạy đến đâu là phía sau nó chỉ còn mặt đất phẳng lỳ phủ một lớp cây ngô và lõi ngô đã được nghiền nhỏ làm phân vi sinh cho vụ sau.


Brad Tucker đang thu hoạch ngô bằng máy liên hợp. Phía trên đầu anh là màn hình máy tính đang phân tích và đo đếm mọi thông số của vụ mùa Ảnh: Việt Hùng
Ngồi trên cabin cùng Tucker, chạy hết một lượt, nuốt chửng 8 luống ngô cùng một lúc, anh với tay ấn nút cái xoẹt vào chiếc máy tính chuyên dụng gắn bên cạnh rồi đưa tôi xem mẩu giấy (report) vừa in ra, trên đó ghi rõ sản lượng vừa thu hoạch được, độ ẩm của hạt ngô và nhiều thông số khác.Ngó lên màn hình thấy sơ đồ thửa ruộng đang hiện rõ vị trí chiếc máy liên hợp đang chạy, phần nào đã thu hoạch phần nào chưa.
Nhìn cái “lưỡi hái” 8 rãnh sắc nhọn đang phầm phập nghiến ngấu 8 luống ngô, tôi tò mò hỏi “lão nông” Mỹ rằng, ngộ nhỡ cái “lưỡi hái” kia không khớp vô đúng 8 luống ngô thì sao ? Tucker cười rồi đáp gọn: “Không thể có chuyện đó vì gieo hạt cũng bằng máy !”.
Chu du một vòng cùng “lão nông”, Tucker trả tôi về… mặt đất từ chiếc máy lạ lẫm made in USA cao lênh khênh kia, đứng giữa cánh đồng Mỹ bao la, giữa bầu trời cuối thu xanh ngắt, nắng vàng đầu đông hanh hao rất lạ, tôi chợt nghĩ đến người nông dân một nắng hai sương xứ ta mà lòng dạ cứ nao nao…


Lisa cho xem những bắp ngô Mỹ to tướng của gia đình nhà Tucker. Ảnh : Việt Hùng
Ngót một thế kỷ trước, người nông dân Mỹ cũng chân lấm tay bùn như quê tôi, cũng 70-80% dân số làm nghề nông như ta bây giờ. Nay đâu chỉ còn có 2%, ấy vậy mà họ không những nuôi sống tới 98% trong tổng số 302 triệu công dân Mỹ mà còn là cường quốc xuất khẩu nhiều loại nông sản số 1 thế giới. Trong chiến dịch tranh cử của Obama, phần về năng lượng sạch còn có hẳn một chiến lược sản xuất xăng từ ngô của những người nông dân như Tucker.
Đương miên man suy ngẫm, bỗng cu cậu Robbie chạy ào tới móc trong túi ra mô hình máy liên hợp y chang như của cha, cũng “made in USA”, dúi vào tay tôi nói “cháu tặng chú!”, tôi ngó mảnh giấy đính kèm thấy ghi dòng chữ “Quà tặng của American Farm Brad & Lisa Tucker”. Tôi cũng tặng lại cu cậu một bức tranh sơn mài cảnh đồng quê Việt Nam thanh bình với những người nông dân đang miệt mài cấy lúa…
Trường học tại gia


Ba mẹ con chị Lisa trên cánh đồng ngô vừa thu hoạch. Ảnh : Việt Hùng
Trong lúc Tucker vẫn mải miết làm việc, chúng tôi được thưởng thức một bữa tiệc ngọt ngay giữa cánh đồng gồm các loại bánh do Lisa tự làm được bày ngay trên sàn sau chiếc xe của gia đình.
Chuyện trò với người phụ nữ xinh đẹp vợ của “lão nông” chính hiệu Tucker kia, mới biết té ra chị từng tốt nghiệp đại học và hiện đang là cô giáo tại nhà của chính hai đứa con mình. Các cháu Samatha, Robbie chưa một ngày đến trường.
Hóa ra là nước Mỹ, ít nhất là ở cái bang Illinois này có một hình thức giáo dục gọi là “Home Schools” dành cho các bà mẹ tự nguyện làm cô giáo cho chính con mình từ lớp 1 đến tận lớp 12. Cũng chẳng cần yêu cầu “cô giáo” có bằng cấp gì cả, miễn là tự nhận thấy mình đủ khả năng dạy con qua sách giáo khoa, còn bọn nhỏ cứ thế mà học và chỉ cần tới trường để trả bài thi mà thôi.
Tôi băn khoăn hỏi hai “học sinh” Samantha và Robbie rằng, liệu chúng có cảm thấy buồn vì không có bạn học. Cả hai đều cười rất tươi và lắc đầu. Chả là trong ngôi làng của chúng có tới 20 gia đình “Home Schools” như thế, 20 “cô giáo” và mấy chục “học sinh” trở thành một cộng đồng sinh hoạt quây quần bên nhau, tiện lợi mà ấm cúng.
Trong câu chuyện, Lisa cũng tỏ ra mãn nguyện với vai trò kép cô giáo và mẹ hiền của mình, chỉ có điều chị không hề biết làm nghề nông như chồng. Những kỳ nông nhàn, Tucker lại đưa cả gia đình đi du lịch trong và ngoài nước, một tay “lão nông” Mỹ này đã nuôi cả gia đình sống sung túc. Tucker tiết lộ: Trừ thuế ra, mỗi năm anh thu nhập không dưới 90.000 USD !
Tôi đem câu chuyện này hỏi ông thị trưởng Paris Craig Smith, ông gật đầu xác nhận rồi chua thêm câu “very rich!” (rất giàu đấy!) và tự hào cho biết hầu hết nông dân vùng này đều như thế cả. Thậm chí, có những nông dân còn mua chung nhau cả máy bay du lịch loại nhỏ để thi thoảng lượn cho vui.
Thêm một điều làm chúng tôi bất ngờ, bản thân ông thị trưởng ngoài trọng trách của dân giao phó, còn đang điều hành một công ty tư vấn luật riêng của mình. Ông giải thích, điều này theo luật bang Illinois là hợp pháp, ở Mỹ có một số bang cho phép thị trưởng được quyền làm thêm như ông.
Tại tòa thị chính, ngài thị trưởng say sưa giới thiệu với chúng tôi về vùng đất Paris cổ kính và tuyệt đẹp này, nó được xây dựng từ năm 1816 và chính thức mang tên thành phố Paris từ năm 1869 với 6.000 dân, ấy vậy mà đến nay cũng chỉ có 9.000 dân.
Nếu ta biết rằng, nước Mỹ rộng tới 9,2 triệu km2 với mật độ dân số hiện nay chỉ vẻn vẹn có 27 người/km2 (so với Italia là 190, Nhật 327 và Việt Nam là 254 thì cũng chả lấy gì làm lạ về tốc độ tăng dân số chậm kỷ lục ở vùng này).
Tuy nhỏ là vậy, nhưng Paris có tới 11 công viên, vài sân golf, 1 bệnh viện công và 24 bác sĩ, nha sĩ cộng đồng, 6 trường tiểu học và trung học, 1 tờ báo và 2 đài phát thanh. Riêng tờ nhật báo tư nhân Paris Becon-News phát hành 5.000 bản/ngày và số đầu tiên xuất bản từ năm 1848.
Đường phố Paris xanh và sạch bóng, hầu như chả có nhà nào cao quá 3 tầng, không hề có giao thông công cộng vì thành phố thì nhỏ mà mỗi nhà dân đều có đến vài chiếc ôtô. Ngoài mấy dãy phố chính tập trung chủ yếu là công sở, trường học, siêu thị, nhà băng…, còn đa số nhà dân đều ở trong những cánh rừng tĩnh lặng.
Chúng tôi ở nhà dân (home stay) Paris tới gần 1 tuần và thực sự cảm nhận được sự mến khách, thân tình của xứ sở “thuần nông” này. Mỗi khi ra đường, gặp bất cứ người dân nào cũng được họ vồn vã chào hỏi…
Chia tay gia đình nhà Tucker, tôi hỏi Robbie “lớn lên cháu có muốn làm nông dân như bố ?”, cu cậu chau mày suy nghĩ hồi lâu rồi đáp “maybe !” (có thể).
(Còn nữa)
Nguyễn Việt Hùng
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=144717&ChannelID=5

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ
>> Bài 3: Cuộc sống nông dân Mỹ
>> Bài 2: Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
>> Bài 1: Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ
TP - Đến thành phố Paris, bang Illinois, thú thực tối hôm đầu tiên ở trong gia đình hai vợ chồng vị bác sĩ người Mỹ Dr. Reid và Carolyn Sutton này, tôi đã bị… lạc và loanh quanh mãi vẫn không tìm được lối ra ngoài, bởi ngôi biệt thự hai tầng tuyệt đẹp tọa giữa rừng này quá rộng lớn.


Ngôi nhà giữa rừng của gia đình bác sĩ Reid. Ảnh: Việt Hùng
Sáng hôm sau tôi kể lại chuyện này với Carolyn và nói đùa rằng, nhà của chị nên có biển chỉ dẫn “exit” (lối ra) như ở các khách sạn mới được.
Sở thích sống giữa thiên nhiên
Gara nhà họ có tới 3 chiếc xe hơi dành cho 3 thành viên trong gia đình: Hai xe hiệu BMW và GM của 2 vợ chồng cùng một chiếc cũ hơn hiệu Toyota của bà mẹ chồng đã 89 tuổi, đấy là chưa kể chiếc xe cắt cỏ bốn bánh. Các con của họ đều đã có gia đình và sống ở các thành phố khác.
Những hôm tôi ở đây, cứ vào lúc 8 giờ sáng lại thấy cảnh lần lượt cả 3 chiếc xe nối đuôi nhau từ gara chạy trên con đường trải nhựa quanh co ven bìa rừng lá vàng óng ả trong tiết cuối thu.
Mỗi người một việc, Reid đến Bệnh viện Paris Community Hospital làm việc, Carolyn lái xe đến một số gia đình theo lịch hẹn để chăm sóc và tư vấn sức khỏe - chị là nhân viên y tế cộng đồng (social worker) ở bệnh viện của chồng, còn bà cụ thì lái xe ra công viên gần đó để tập thể dục và sinh hoạt câu lạc bộ tuổi già.
Khái niệm “văn hóa xe hơi” cũng xuất phát từ chính đất nước này. Từ trước tới nay, số lượng xe ôtô tính trên đầu người ở Hoa Kỳ vẫn luôn cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, riêng ở bang California đã có tới gần hai chục triệu xe hơi được đăng ký. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ cũng là nước dẫn đầu về chỉ số năng lượng trên đầu người.
Tuy nhiên, ở đất nước rộng gấp 40 lần nước Anh mà mật độ dân số lại chỉ có 27 người/km2 này, ngoại trừ mấy thành phố lớn, thì chỗ để xe vẫn chưa hề phải nghĩ tới.


Sở thích sống thâm thấp, hòa mình với thiên nhiên của các gia đình Mỹ. Ảnh : Việt Hùng
Bác sĩ Reid giải thích cho tôi về sở thích sống giữa thiên nhiên cây cối nhưng đầy đủ tiện nghi của người Mỹ, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, họ chúa ghét những tòa nhà chọc trời xám xịt, những không gian sống ngột ngạt tấp nập nơi đô thị, họ thường lui ra những bìa rừng thoáng đãng và yên tĩnh ven thành phố cách trung tâm khoảng vài chục phút chạy xe hơi.
Đến nay, Hoa Kỳ vẫn còn tới một phần ba diện tích là rừng, thậm chí 20/50 bang có diện tích rừng che phủ lên tới trên 50%. Điều này lý giải vì sao ở vùng Paris này, tôi toàn thấy những ngôi nhà “bốn mặt tiền” đều là cỏ cây hoa lá và tuyệt đối tĩnh lặng. Buổi tối thi thoảng lại thấy một vài chú nai rừng ngơ ngác trước ánh đèn pha ô tô của người dân.
Ngay từ năm 1872 của thế kỷ 19, nước Mỹ đã có luật đầu tiên về môi trường với sự ra đời của công viên quốc gia Yellowstone rộng 800.000 ha ở bang Wyoming, cho đến nay hơn 100 công viên quốc gia tương tự đã được xây dựng. Chả thế mà cái TP Paris bé xíu 9.000 dân này có tới những 11 công viên cả thẩy.


Những đàn ngỗng trời tha thẩn dạo chơi ngay phía sau những ngôi nhà người dân Mỹ vùng Paris, bang Illinois. Ảnh : Việt Hùng
Dân Mỹ có sở thích ở nhà to rộng quá sức tưởng tượng của một người sống ở Hà Nội chật chội như tôi, chắc hẳn cũng vì đất rộng người thưa. Chỉ riêng cái khu bếp và phòng ăn của bà chủ Carolyn này ước cũng đã rộng gấp đôi mặt bằng 40m2 của nhà tôi rồi.
Ngoài cái bàn bầu dục dài ngoẵng ở giữa, xung quanh là đủ thứ tiện nghi bếp núc hiện đại, dùng để ăn uống nhẹ hay tiệc đứng, còn có một cái phòng to bên cạnh dùng để ngồi ăn bữa tối thư thả, ngoài vườn còn đặt cái bếp nướng to tướng kiểu Mỹ chạy bằng gas và bộ bàn ghế dùng cho những bữa ăn ngoài trời.
Đấy là chưa kể một phòng bếp khác khiêm tốn hơn chừng 15-20 m2, cũng đủ tiện nghi dành riêng cho bà cụ ở tầng trệt, để cụ tự chế biến bữa sáng riêng cho mình trước khi lái xe đi tập thể dục cho tiện.
Bác sĩ Reid có phòng thư viện cá nhân và phòng làm việc riêng tại nhà. Ông có sở thích nghiên cứu lịch sử - địa lý và xem tivi. Thư viện của ông có hàng trăm cuốn sách về lịch sử, địa lý khắp thế giới. Riêng thú xem tivi của ông cũng đặc kiểu Mỹ, cùng một lúc Reid thường bật cả 3 chiếc tivi loại 21 inch để cạnh nhau, 2 chiếc để xem 2 kênh thể thao mà ông yêu thích, một chiếc xem thời sự CNN.
Chả biết có phải vì bà vợ Carolyn yêu quý của ông cũng là người da màu mà vị bác sĩ da trắng dòng giống lâu đời ở xứ này lại rất nhiệt thành ủng hộ Obama. Trong câu chuyện trước bầu cử với tôi, ông đánh giá rất cao chính sách về Y tế và Giáo dục của Obama, ông lắc đầu ngán ngẩm với chính sách chăm sóc sức khỏe phi thực tế và không có lợi cho người nghèo của Mc Cain.
Trong khi đó, ở thành phố Paris khá bảo thủ và thuần chủng da trắng này, cứ nhìn những tấm biển Mc Cain – Palin cắm đầy trước cửa nhà dân, chúng tôi hiểu họ đang ủng hộ ai.


Bác sĩ Reid trong phòng thư viện tại gia. Ảnh: Việt Hùng
Trong những bữa ăn tối thân mật, Reid thường hỏi chúng tôi về dịch vụ Y tế và các bệnh viện ở Việt Nam. Khi biết về sự quá tải ở các bệnh viện và cả những khoản ngoài viện phí ở Việt Nam, Reid rất ngạc nhiên và cho biết ở Mỹ hầu hết dân chúng đều được thanh toán tiền khám chữa bệnh qua những hãng bảo hiểm, nên không thể có tình trạng này.
Reid cho biết, bệnh viện nơi ông làm việc vừa được nâng cấp vào năm 2006 với kinh phí 11 triệu USD gồm 49 giường. Nó trực thuộc một tổ chức phi lợi nhuận là Quỹ bệnh viện & Y tế Paris.
Tuy là bệnh viện nhỏ nhưng ở đây có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, một labo xét nghiệm, một trung tâm Y tế gia đình với đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia và một Chương trình tư vấn mang tên Healthy Choice chuyên giúp các gia đình trẻ có kỹ năng về chăm sóc sức khỏe gia đình. Trong trường hợp khẩn cấp, những ca bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển gấp lên tuyến trên bằng máy bay trực thăng.
Dân Mỹ rất quan tâm đến sức khỏe. Hoa Kỳ hàng năm chi cho lĩnh vực này khoảng trên dưới 1.000 tỷ USD, cao nhất thế giới nếu tính theo phần trăm GDP. Các doanh nghiệp Mỹ cũng thường phải chi tới 60% lợi nhuận trước thuế cho phúc lợi y tế dành cho nhân viên của họ. Trừ các doanh nghiệp rất nhỏ, còn đa số đều phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên theo luật định.
Tuy thế, theo một số liệu thống kê, trong thập kỷ trước Hoa Kỳ vẫn còn tới trên 33 triệu người không có bảo hiểm Y tế và khoảng nửa triệu người sống trong cảnh không nhà hàng đêm.
Nhà to nhưng vắng bóng trẻ
Chúng tôi tới Paris đúng dịp người dân ở đây đang chuẩn bị đón lễ Halloween, tất cả các ngôi nhà đều trang hoàng rất đẹp, trước cửa đặt quả bí ngô và hình người nộm. Buổi tối họ còn bật đèn vườn và treo đèn màu nhấp nháy lên cây trông rất ấm cúng và lung linh huyền ảo.
Tối Halloween 31/10, nhà vợ chồng bác sĩ Reid liên tục có những vị khách tí hon, cứ dăm mười phút lại có một toán trẻ con tới bấm chuông. Chúng ăn mặc hóa trang trông rất ngộ nghĩnh, thậm chí có đứa chơi nguyên một bộ quần áo hình đầu lâu xương chéo ghê rợn.
Reid và Carolyn đã chuẩn bị sẵn một khay bánh kẹo to tướng để mời, mỗi đứa bốc vài cái rồi lại rồng rắn nối đuôi nhau sang nhà khác. Đó là một phong tục truyền thống khá thú vị trong đêm Halloween tại hầu hết các nước Âu, Mỹ.
Chủ nhà ngồi cũng không yên với bọn trẻ, nhưng tôi thấy họ rất vui và hạnh phúc, đặc biệt là bà mẹ già của bác sĩ Reid, cụ ngồi trên chiếc ghế sôpha ngắm nghía, trò chuyện lũ trẻ mãi không thôi… Có lẽ hàng năm chỉ mỗi dịp này là cụ mới được gặp chúng. Lũ cháu nội ngoại của cụ có khi một vài năm mới ghé thăm một lần, bố mẹ chúng đều ở các bang khác và cũng không có thói quen thăm hỏi cha mẹ thường xuyên như ở ta.
Chỉ riêng chuyện cụ được sống cùng với con trai mình đã là may mắn và chuyện hiếm ở xứ này rồi. Chứ như bên nhà bà hàng xóm Norman Travis, chỉ nhõn có hai cụ và lũ chó mèo chăm nhau trong ngôi nhà rộng thênh thang kia cũng buồn lắm.
Hai phòng ở tầng dưới cũng đủ bàn ghế, giường tủ như thật, nhưng là để cho 2 con… mèo cưng của bà Norman sinh hoạt. Chồng bà Norman, ông Travis bị ung thư thanh quản phải cắt bỏ, đi lại khó khăn và có vẻ hơi lẫn, muốn nói gì lại phải ngậm cái ống thổi phù phù nghe tỉnh tai mới biết.
Bà Norman đã ngoài 70 song lại là giám đốc không lương của Chương trình khách mời quốc tế (International Visitor) ở thành phố nhỏ Paris này, nên dịp chúng tôi đến bà bận lắm, lái xe đưa chúng tôi đi khắp nơi, chỉ thương ông Travis, mấy buổi sáng liền tôi đều thoáng trông thấy ông ngồi thu lu trong… gara đợi bà về.
(còn nữa)
Nguyễn Việt Hùng
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=144807&ChannelID=13

Tận thấy bầu cử Mỹ
>> Bài 4 - Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ
>> Bài 3 - Cuộc sống nông dân Mỹ
>> Bài 2 - Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
>> Bài 1 - Nước Mỹ ký sự
TP - Tôi đến Mỹ vào thời điểm hai tuần trước bầu cử, đúng vào lúc cuộc chạy đua nước rút giữa hai ứng cử viên Tổng thống Barack Obama và John Mc Cain vào hồi quyết liệt nhất, ấy vậy mà cho tới tận ngày bầu cử, trên đường phố chả hề thấy cảnh trống dong cờ mở nhộn nhịp như bên ta, người dân Mỹ vẫn bình thản như không…


Tình nguyện viên đảng Cộng Hòa tại hạt Duval, TP Jacksonville, bang Florida đang gọi điện thúc giục cử tri ủng hộ ông Mc Cain. Ảnh : Việt Hùng.

Bầu cử chỉ “nóng”… trên tivi và trong các trụ sở tranh cử
Thống kê cho thấy tại các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, số cử tri đi bầu giảm nếu tình hình kinh tế, chính trị ổn định hoặc một ứng cử viên hầu như không có đối thủ trong các cuộc thăm dò.
Ngược lại số cử tri đi bầu sẽ tăng nếu cuộc đua là gay cấn sít sao hoặc nền kinh tế có vấn đề. Điều này lý giải vì sao kỳ này có lượng cử tri đi bầu nhiều kỷ lục, lên tới 130 triệu người.
Và ông Obama thắng cử cũng chính vì dân chúng Mỹ đã bắt đầu ngán ngẩm với sự trồi sụt thất thường của phố Wall và không muốn một “nhiệm kỳ ba của Bush” nếu ông Mc Cain thắng cử.
Dường như chính truyền hình và báo chí Mỹ đã làm nên không khí bầu cử sôi sục, song chỉ trong từng căn phòng, từng gia đình Mỹ bên chiếc tivi mà thôi. Bạn sẽ chỉ thực sự chứng kiến được cuộc chạy đua nước rút quyết liệt này một khi bước chân vào trụ sở Đảng Cộng hòa hay Dân chủ tại khắp các tiểu bang trên đất Mỹ.
Kể từ năm 1852 đến nay, các đời Tổng thống Mỹ đều là người của Đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, và hầu như không thể có cơ hội cho một Đảng thứ ba chen chân vào thể chế này.
Nền chính trị Mỹ có cấu trúc phi tập trung hóa, tổ chức của mỗi đảng ở mỗi bang hầu như không có liên hệ gì với nhau, thậm chí ngay Chủ tịch Đảng cũng khó mà biết được chính xác có bao nhiêu đảng viên, bởi họ không có thẻ Đảng, chỉ tự nhận mình là người của Đảng này hay Đảng kia mà thôi.
Khi đã nắm quyền, Tổng thống cũng không thể dám chắc các nghị sĩ tại quốc hội của Đảng mình có bỏ phiếu ủng hộ chính sách của ông ta đưa ra hay không. Đơn cử như gói giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỷ USD của ông Bush thoạt đầu đã bị bác bởi chính đa số hạ nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, thậm chí một nhân vật nổi tiếng của Đảng Cộng hòa là ông Colin Powell vào phút chót lại công khai tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Obama của Đảng Dân chủ.


Tập huấn cách bỏ phiếu bằng máy tính màn hình sờ (Touching Screen Machine) cho các tình nguyện viên trước ngày bầu cử tại Austine, Texas. Ảnh : Việt Hùng
Ủy ban toàn quốc của hai Đảng này chủ yếu chỉ làm việc vận động tranh cử. Vừa bước chân vào trụ sở chính của Ủy ban toàn quốc Đảng Cộng hòa tọa trên phố số 1 ở thủ đô Washington, D.C, tôi bắt gặp bức ảnh khổ lớn đương kim Tổng thống Bush và phu nhân treo trang trọng nơi tiền sảnh, phía đối diện là phòng truyền thống, nơi treo ảnh các đời tổng thống của Đảng này.
Phía trên lối ra vào có căng một khẩu hiệu đầy tự tin: “Còn 12 ngày tới chiến thắng!”. Điều lạ là, khác hẳn với việc kiểm tra an ninh ngặt nghèo tại trụ sở các cơ quan công quyền như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp mà tôi tới bữa trước, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất kỳ nhân viên an ninh nào, mọi người đều có thể ra vào khá thoải mái nơi đây.
Bà Nancy Dehlinger, giám đốc bộ phận Phục vụ bầu cử vui vẻ giới thiệu với chúng tôi về vai trò của Ủy ban này trong chiến dịch tranh cử của ông Mc Cain. Lúc ra về, tôi chỉ vào cái khẩu hiệu đếm ngược chờ ngày chiến thắng kia, rồi hỏi bà liệu có tin rằng ông Mc Cain sẽ thắng cử ? Nancy trả lời đầy vẻ ngoại giao “chúng tôi hy vọng!”.
Cách ngày bầu cử một tuần, chúng tôi có mặt tại các trụ sở tranh cử của Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở hạt Duval tại thành phố Jacksonville, bang Florida. Điều thú vị là hai trụ sở chỉ nằm cách nhau có vài chục mét trên cùng một con phố Beach Blvd. Chuyện quỹ bầu cử của ông Obama rủng rỉnh hơn hẳn của ông Mc Cain cũng thể hiện rõ ở hai cái trụ sở này, từ bên ngoài đến bên trong.


Các tình nguyện viên của Đảng Dân chủ tại hạt Duval, TP Jacksonville, bang Florida đang hối hả gọi điện thoại vận động cử tri ủng hộ Obama. Ảnh: Việt Hùng
Trụ sở bên Dân chủ nom bề thế và tấp nập hơn hẳn bên Cộng hòa. Vào bên Dân chủ bắt gặp không khí làm việc khẩn trương của cả trăm tình nguyện viên đang hối hả gọi điện cho cử tri trong vùng kêu gọi đi bầu cho ông Obama, trong khi chỉ có vài chục người đang làm việc tương tự ở trụ sở kế bên của Cộng hòa.
Xem ra đội ngũ tình nguyện viên của Dân chủ có vẻ trẻ trung và năng động hơn hẳn, rất nhiều trong số đó là sinh viên, thậm chí họ còn tổ chức đội quân đi gõ cửa vận động từng nhà dân trong vùng.
Bà Patricia Sher, Phó chủ tịch Đảng Dân chủ hạt Duval cho chúng tôi biết, theo điều tra của họ tại thành phố này có tới 60% sinh viên và hầu hết giới trẻ ủng hộ B.Obama.
Khi tôi hỏi “Vì sao ông Obama lại kiếm được nhiều tiền đến thế?”, Patricia lý giải: Ông ấy rất ấn tượng, thân thiện và có tài diễn thuyết, nhiều người tin vào chính sách của ông ấy nên bỏ tiền cho quỹ vận động tranh cử. Đặc biệt chúng tôi đã biết sử dụng triệt để lợi thế của công nghệ thông tin…
Tôi vặn lại, dường như câu chuyện về cuộc đời khá hấp dẫn của B.Obama đã làm “mê hoặc” giới trẻ nên họ ủng hộ? Cô sinh viên năm thứ hai ĐH North Florida người gốc Việt tên Mai đang làm tình nguyện viên cho chiến dịch bầu cử của ông Obama khẳng định: “Không phải, sinh viên nhìn vào đường lối và cả đội ngũ tranh cử, chứ không phải chỉ vì cuộc đời của ông ta”.
Cô hào hứng cho biết, “nếu Obama thắng cử, sang năm em sẽ về Việt Nam làm tình nguyện viên, bất cứ công việc gì cũng được miễn là có ích cho cộng đồng. Em rất thích về Việt Nam làm việc…”.


Bà Patricia Sher, Phó chủ tịch Đảng Dân chủ hạt Duval và cô sinh viên Mai người Mỹ gốc Việt. Ảnh : Việt Hùng
Trong khi đó, tại trụ sở Đảng Cộng hòa ở hạt này, cô Streeter trợ lý cho Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của Mc Cain lại nói với chúng tôi đại ý rằng, ông Mc Cain mới là đại diện tiêu biểu cho đường lối của Cộng hòa, chủ trương muốn tự làm lấy tất cả, chứ chả như ông Obama cứ muốn chính phủ phải móc hầu bao lo mọi việc cho dân chúng, đó là điều không tưởng.
Ngày bầu cử (Election Day), chúng tôi có mặt tại thủ thủ Austin, bang Texas - “sân nhà” của phe Cộng hòa. Thế nhưng trụ sở tranh cử của B.Obama tại đây vẫn hừng hực khí thế, họ huy động hàng trăm tình nguyện viên đổ ra ngoài đường phố đến gõ cửa từng nhà dân với câu hỏi “Quý vị có hài lòng với Tổng thống Bush? Nếu không hãy bầu cho Obama”. Một nhóm khác trong văn phòng thì đang mải miết gọi điện thúc giục “Nếu quý vị ủng hộ Đảng Dân chủ, hãy đi bầu cử !”.
Tính độc lập của người Mỹ
Trong suốt hành trình tìm hiểu về bầu cử trên đất Mỹ, tôi được nghe rất nhiều lập luận tương tự như trên của cả hai phe. Những kẻ ngoài cuộc như chúng tôi “chả dám” ủng hộ bên nào, chỉ lắng nghe và quan sát về cái gọi là nền dân chủ Mỹ, về cuộc bầu cử của một cường quốc mà cả thế giới này đang phải chú ý dõi theo.
Ấy vậy mà tại ngay đất nước này, có không ít những công dân Mỹ cả đời chưa đi bầu cử bao giờ, họ cũng chả thèm quan tâm đến ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng. Tôi đã gặp không ít người như thế, trong đó có cả những người Mỹ gốc Việt.
Thống kê ở Mỹ cho thấy, nhiều năm gần đây chỉ có khoảng 50% số cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống mà thôi. Thậm chí, ở cái thành phố nhỏ Paris, bang Illinois mà tôi tới, ông thị trưởng Craig Smith cho hay, kỳ này chỉ cỡ độ 25-30% cử tri đi bầu.


Một cử tri Mỹ đi bỏ phiếu tại TP Paris, bang Illinois. Ảnh : Việt Hùng
Tôi đã đem thắc mắc này tranh thủ hỏi tại khắp các cuộc gặp gỡ trên đất Mỹ, từ quan chức, nhà chính trị, giới nghiên cứu tới người dân thường, song dường như điều này đã trở nên hết sức bình thường ở Mỹ. Câu trả lời thường gặp đại loại là một cái nhún vai và “I don’t know!” (Tôi không biết).
Trong Cục Dân quyền ở Bộ Tư pháp Mỹ có hẳn một bộ phận phụ trách về Quyền bầu cử của công dân với rất nhiều những quy định chi tiết. Song rốt cục Quyền không đi bầu cũng lại thuộc về dân chúng, chả ai bắt đi bầu nếu họ không muốn.
Ở Mỹ, chuyện trong gia đình mỗi người ủng hộ một ứng cử viên là bình thường. Kiến trúc sư gốc Việt Vũ Thiện Trí ở Jacksonville, Florida ủng hộ ông Obama, còn bà xã người Mỹ lại ủng hộ ông Mc Cain.
Hay cô nữ sinh lớp 12 tên Lisa tại trường Trung học L.C Anderson, Austin, Texas vừa đi bỏ phiếu lần đầu tiên trong đời nói có cảm giác rất thú vị, song nhất quyết không chịu tiết lộ cho tôi biết đã bỏ cho ai, cô chỉ nói trong gia đình mình chia làm 2 phe, một bên bỏ cho B.Obama, bên kia bỏ cho J.Mc Cain.
Vì sao B.Obama thắng cử ?
Ba ngày sau bầu cử, vị giáo sư khoa Chính trị học của ĐH California ở San Diego, ông Gary C. Jacobson - tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chính trị tại Mỹ - đã “mổ xẻ” về thắng lợi của ông Obama với tôi như sau: Obama và Đảng Dân chủ đã chiếm được sức mạnh và ưu thế trong một thời điểm rất khó khăn của nền kinh tế Mỹ! Ông ấy có một chiến dịch tranh cử rất tốt, có được sự ủng hộ của giới truyền thông, tìm mọi cách để gửi thông điệp tới dân chúng, nên dần dần mọi người đã nghĩ trong đầu là ông ấy sẽ trở thành Tổng thống.
Tuy nhiên GS Jacobson cũng nhận định, “Obama dường như có tài diễn thuyết và rất thông minh, song ông ta hứa hẹn cũng hơi nhiều… giữa nói và làm là cả một khoảng cách không dễ gì trong tình huống kinh tế này”. Vị GS này cũng cho rằng, chính sách của B.Obama đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không có gì thay đổi.


Giáo sư Gary C. Jacobson, khoa Chính trị học ĐH California tại San Diego. Ảnh : Việt Hùng
Bộ máy truyền thông nhà nghề của Obama đã cho in ấn những tờ rơi và sách khổ nhỏ được thiết kế và biên tập rất công phu, ấn tượng để phát cho cử tri. Ở khắp các văn phòng tranh cử của phe Dân chủ, chúng tôi đều bắt gặp hàng xấp tờ rơi như thế, chữ ít ảnh nhiều, nhưng đều là những slogan (khẩu hiệu) rất “ăn khách” và khá thuyết phục. Chẳng hạn như “Để thay đổi, chúng ta cần Barack Obama”, “Nước Mỹ, đây là thời khắc của chúng ta”, “Thay đổi, chúng tôi tin vào điều đó”…
Tất cả những slogan này đều được chọn in trên nền những bức ảnh ấn tượng đầy chất báo chí ghi lại cảnh Obama đang tiếp xúc cử tri. Chỉ với một cuốn sách mỏng 20 trang khổ nhỏ bằng nửa tờ A4 đút gọn được vào túi quần, cử tri Mỹ đã dễ dàng có một bức tranh toàn cảnh về chính sách, đời tư và sự nghiệp của Obama. Chưa kể bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ gồm truyền hình, báo chí, radio cũng dường như nghiêng về ứng cử viên da màu “ăn khách” này.
Tối 4/11, chúng tôi được mời tới dự buổi tiệc chờ đón chiến thắng của giới sinh viên nơi đây tại Trung tâm hội nghị Thompson nằm ngay trong khuôn viên Đại học Texas. Trái ngược với không khí yên ả như mọi ngày, trong ngày bầu cử, bên trong Trung tâm tối nay thật sôi động và đầy phấn khích. Hàng trăm sinh viên vừa ăn uống, bàn tán sôi nổi vừa theo dõi tin tức bầu cử được CNN tường thuật trực tiếp trên 2 màn hình cỡ lớn. Không khí giống y như ta đang xem một trận bóng đá hấp dẫn trên tivi ở Việt Nam vậy.
Jessica Jenq, cô sinh viên đã mời chúng tôi tới dự buổi tiệc, vừa xem tivi vừa hết lời ca ngợi Obama, rằng ông có chính sách tốt về kinh tế, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là giáo dục, ngoài ra Obama còn rất điển trai nữa ! Cô đã bỏ phiếu cho Obama và tin chắc là ông sẽ thắng cử. Bầu không khí mỗi lúc một nóng khi Obama lần lượt giành chiến thắng tại các bang quyết định như Ohio, Pennsylvania…


Sinh viên ĐH Texas chờ đón chiến thắng của ông Obama trong đêm 4/11 ở Trung tâm hội nghị Thompson, TP Austin. Ảnh : Việt Hùng
Vừa về tới khách sạn, anh nhân viên lễ tân tên John mới quen đã hồ hởi báo tin: “Ngày mai nước Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử - Brack Obama!”. Hỏi ra mới biết John vừa đi bỏ phiếu sáng nay cho Obama, John lý giải như một chuyên gia rằng anh ủng hộ B.Obama vì ông này tuyên bố sẽ giảm thuế, tức dân Mỹ trong đó có anh sẽ sống sung túc hơn, các Cty sẽ bán được nhiều hàng hóa vì dân chúng sẽ tiêu dùng nhiều hơn, kết cục nền kinh tế sẽ lại đi lên.
Ghé qua cửa hàng Street Market kế bên khách sạn – nơi bán đủ mọi thứ như cửa hàng tạp hoá bên mình – do hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt kinh doanh, tôi hỏi họ bầu cho ai? Thật bất ngờ cả hai vợ chồng đều nói họ chưa bao giờ đi bầu cử cả, mặc dù đã sống hơn 30 năm ở đây.
Người chồng tên Đỉnh giải thích: “Ông nào lên cũng thế thôi, tôi đã sống qua nhiều đời tổng thống rồi, tôi chỉ quan tâm đến chuyện làm ăn, không quan tâm đến chính trị”.
Nguyễn Việt Hùng
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=144971&ChannelID=13

No comments: