12/9/08

Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 Hà Nội

Tình cờ tôi thấy thông tin về hội thảo Việt Nam học. háo hức lắm vì nghe nói tới hơn trăm đại biểu từ nước ngoài tới dự và có tới mấy trăm tham luận.

Cố gắng viết một lá thư, xin giấy mời tới dự. Và giấy mời được gửi tới. Sung sướng. hồi hộp. chờ đợi. ngày nào cũng vào trang web của hội thảo để xem chương trình chi tiết mà tới tối hôm 2/12 mới có chương trình chi tiết cho tiểu ban 1. Rồi mãi tận tối hôm trước hội thảo (ngày 3/12), thấy họ gửi cho một chương trình chi tiết tới 20 trang qua điện thư, có vẻ lúc đó họ mới làm xong chương trình. Trang web thì trống trơn, chả có thông tin gì đáng kể.

Sáng hôm sau, tôi dậy từ 6 giờ kém 15 chuẩn bị đi dự hội thảo cho đúng giờ.
Tới nơi, được phát một tệp nặng trịch tài liệu. Một cuốn abstract bằng tiếng Việt. Ba bài phát biểu tiếng Việt của ba quan khách, một cuốn bulletin của ĐHQG HN.
Theo lịch thì 8.30 khai mạc, nhưng cũng phải tới hơn 9 giờ mới bắt đầu. Cũng chẳng hiểu lí do sao bị chậm.

Trên sân khấu là một màn treo logo với tiêu đề của Hội thảo. Một cái bục micro cho người trình bày tại phiên toàn thể. Hết.

Suốt buổi sáng, các bài phát biểu của các quan khách từ bà phó chủ tịch nước tới bà phó chủ tịch HN. Sau đó một bài dài của giáo sư Phan Huy Lê, GS Vũ Minh Giang, GS Yumio người Nhật, nguyên PTT Vũ Khoan… tất cả các tập hợp đó không có một hình ảnh minh họa, một thước phim minh họa, hay bất cứ một cái gì khác, ngoài đọc, đọc, và đọc. Kết thúc phiên toàn thể buổi sáng là bài đọc tiếng Việt của giáo sư người Nhật với thứ tiếng Việt phát âm mà tôi không thể hiểu nổi là tiếng gì. Dù tỏ lòng kính trọng vị giáo sư đã cố gắng nỗ lực đọc bằng tiếng Việt nhưng cũng không thể tránh khỏi sự vô duyên khi muốn nín cười mà bất lực. Mà nhiều người xung quanh như thế, đâu phải chỉ có tôi là vô văn hóa.

Một buổi sáng dài lê thê với các bài đọc khô khan, khó nhớ. Những từ tiếng Anh dịch xen lẫn với những bài tiếng Việt khiến cho người nghe bị ức chế vô cùng.
Sau bữa trưa, tôi hớn hở tới những phòng mà mình sẽ định nghe các báo cáo mà mình quan tâm.

Nhưng hỡi ôi, sự thất vọng còn tràn trề hơn cả buổi sáng.

Tôi chọn một số bài từ một số tiểu ban khác nhau nhưng với cách bố trí theo kiểu tiểu ban, ý định của tôi chỉ nghe những bài đã chọn nhanh chóng bị phá sản.
Họ có thông báo giờ cho từng bài trình bày, nhưng không đảm bảo rằng các diễn giả sẽ trình bày theo đúng trật tự đó, và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ có mặt ở đó để trình bày cho bạn nghe. Hơn nữa, họ chia ra phần trình bày trước, rồi tới phần thảo luận sau. Có nghĩa là sau khi nghe hết 3-4 cái báo cáo thì mới tới phần thảo luận.
Phần trình bày thì ôi thôi thôi. Có ông còn ngồi quay lưng lại với người nghe và đọc bài trên ppt. Nhưng như vậy vẫn còn ok vì ít nhất còn nghe ông ấy nói về cái gì. Độ mươi phút sau thì phiên dịch mới thực hiện nhiệm vụ của mình, và bi hài kịch cũng mới bắt đầu. Bỏ qua chuyện nội dung dịch, nhưng cái kiểu nghe ông Việt nói không xong mà lại bị lấn lướt bởi ông thông ngôn (dịch song song) khiến cho ai có kiên nhẫn nhất cũng phải bực mình (thực sự là chú tây ngồi cạnh tôi liên tục quay sang chửi rủa). Rút cục, tiếng Anh cũng chả hiểu nổi và tiếng Việt lại càng không.
Bỏ sang phòng khác để “săn” bài muốn nghe, thì cũng không tài nào “chớp” được vì cái lịch trình đã bị đảo lộn từ lâu rồi. Một số diễn giả đi dự buổi gặp mặt với chủ tịch nước. Trời, không hiểu họ tổ chức hội thảo quan trọng hơn, hay là gặp mặt ngoại giao quan trọng hơn. Nếu là một người có đầu óc bình thường thì chắc chắn nên tổ chức các buổi gặp gỡ đó ngoài thời gian hội thảo.

Quanh đi quẩn lại, thấy một số thì trình bày báo cáo, nhưng thực chất là đọc lại bài viết của mình chiếu kín đặc màn hình ppt. Một số khác nói là “không trình bày vì đã có in trong CD”. Mà trớ trêu thay, cái báo cáo toàn văn chỉ phát cho những đại biểu nào có bài trình bày. Còn người tham dự thì không có.

Trong cuốn tóm tắt báo cáo thì chỉ có phần tóm tắt báo cáo. Cũng không có một đoạn gì giới thiệu biodata của diễn giả. Cũng không thấy có thông báo địa chỉ liên lạc hay điện thư hay bất cứ thông số gì về diễn giả, trừ một dòng nêu tên, với chức danh và tên trường. Chẳng hạn Nguyễn Văn X, học vị Y, Trường Z.

Ở tiểu ban Văn hóa Việt Nam, nghe chán các định nghĩa văn hóa là gì. Sang tiểu ban giảng dạy lại thấy tranh cãi chuyện “đối tượng của Việt Nam học”. Tới hết giờ rồi thì được nhận câu tổng quát: chúng ta còn hai ngày để bàn thảo cho rõ xem cái đối tượng của Việt Nam học là cái chi chi.

Suốt ngày thứ nhất, tôi cố gắng tự hỏi mình, ngày hôm nay, cả ngày hôm nay, mình đã thu được cái gì từ cuộc hội thảo này?

Ngồi nghĩ mãi mà không thấy gì cả. Không, ít nhất trong bài tổng quan của gs Lê cũng có hệ thống một số thông tin về Việt Nam học trên thế giới. Hết đêm cứ nghĩ mãi, không biết có nên đi tiếp ngày thứ hai không. Rồi cái ý tưởng “đừng đi” nữa đã chiến thắng.

Tới chiều tối lại đấu tranh tư tưởng tiếp, có nên đi tiếp ngày thứ ba nữa không? Thế rồi, cái ý tưởng “ở nhà” cũng chiến thắng.

Tôi vẫn không hiểu nổi, một cái gì đã khiến cho tôi, trong đêm trước hội thảo đã nóng lòng nóng ruột chờ mong tới ngày khai mạc hội thảo để đi dự, bỏ cả việc của mình để di dự hội thảo, để rồi cuối cùng lại phải ngồi đấu tranh tư tưởng, nên đi hay không nên đi và để rồi cái “không” chiến thắng.

Xem lại các báo cáo viên, các người tổ chức, thấy toàn chuyên gia tầm cỡ Việt Nam. Họ cũng đang đảm nhiệm các trọng trách đào tạo thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng học sinh có thể trông cậy gì ở họ?

Một sự cổ lỗ sĩ trong phong cách truyền đạt thông tin. Một sự nghiệp dư trong tổ chức một cuộc hội thảo mà họ nói là tầm cỡ quốc tế. Không, tôi không trông đợi một hội nghị quốc tế kiểu đó. Và tôi cứ thấy buồn không sao tả xiết.

No comments: