1/25/08

Lỗi ngữ âm do chứng mù từ và phương pháp khắc phục - Common dyslexic errors of the Vietnamese

Bài viết này nhìn nhận chứng mù từ qua ảnh hưởng của phương ngữ Việt Nam đối với học viên học ngoại ngữ và cách khắc phục. Bài viết chỉ tập trung vào những hiện tượng có ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu và học ngoại ngữ của học viên Việt Nam.

1. Chứng mù từ.

Chứng mù từ, thuật ngữ tiếng Anh là “dyslexia”, hay “word blindness”, là một thuật ngữ chưa được thống nhất về định nghĩa. Vậy chứng mù từ là gì? Và có thể coi nó là bệnh hay không? Liệu có cách gì để chữa cho những người mắc chứng này không?

Theo từ điển Anh-Việt (Lạc Việt) thì dyslexia được dịch là “sự khó đọc”. Nếu chỉ căn cứ qua giải thích như vậy thì khó có thể coi nó là một điều gì gây quan ngại.

Từ điển bỏ túi Anh-Việt Oxford được Quang Thụy dịch là “chứng gặp khó khăn trong khi đọc và đánh vần do tình trạng nào đó của não” (tr. 338. Từ điển Anh-Việt 140.000 từ. NXB Đồng Nai). Định nghĩa này có thể gợi cảm giác đây là một bệnh lí thực sự.

Theo từ điển Encarta trực tuyến (Encarta Dictionary (Bắc Mỹ) thì dyslexia có nghĩa là “sự rối loạn học tập do gặp khó khăn đặc biệt trong việc nhận dạng và hiểu ngôn ngữ viết, dẫn tới gặp khó khăn trong đánh vần và viết. Dyslexia không phải là do thiểu năng trí tuệ hay có vấn đề nào đó tại não bộ”.

Theo Từ điển Bách khoa Encarta trực tuyết (Encarta Encyclopedia) thì đó là “không có khả năng đọc trôi chảy”.

Theo Jan Baumel, M.S - một nhà tâm lí học giáo dục có 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt cho rằng mù từ là do “thiếu khả năng học đặc biệt có nguồn gốc từ hệ thần kinh. Sự thiểu năng này thường thể hiện ở sự khó khăn trong việc nhận biết từ hay khả năng đánh vần cũng như giải mã kém. Những khó khăn này có thể là thiếu thành tố âm vị trong một ngôn ngữ mà có liên quan tới khả năng nhận thức và điều kiện giảng dạy”. (Adopted by the IDA Board, November 2002 and by the National Institutes of Health, 2002. Hiệp hội Thiểu năng học tập Mỹ (LDA). Giải thích này giúp ta xác định nó có thể thuộc phạm vi nghiên cứu của ngôn ngữ học và tâm lí học và có thể hình dung hệ quả của chứng mù từ.

Theo giáo sư Abigail Marchall (http://www.dyslexia.com/qasymptoms.htm) thì những người bị thiểu năng đọc này thường có các biểu hiện không nhất quán. Chẳng hạn, họ có thể mắc bất kì một trong những triệu trứng như: đọc ngược các từ; cảm thấy như các con chữ nhảy nhót lung tung trong trang giấy; không phân biệt được các con chữ có vẻ giống nhau như o, e và c; Không phân biệt được các từ có hình dạng giống nhau nhưng phương hướng thể hiện con chữ khác nhau như: b-p, d-q; các từ có thể bị đọc lộn tùng phèo và không theo một trật tự thông thường (ví dụ man đọc là nam), hoặc được cảm nhận theo từng khối mà không tách bạch theo từng từ như nó vốn được cảm nhận theo lẽ thông thường; các con chữ hay từ có thể được đọc bình thường nhưng bản thân người học lại bị đau đầu hoặc bị đau bụng khi phải cố đọc, hoặc nhận dạng được từ trên mặt chữ nhưng không nói lên được, hoặc nói lên được nhưng lại không hiểu được các âm thanh đó, hoặc có thể liên kết được con chữ nhưng lại quên ngay như thể chưa từng gặp con chữ đó bao giờ, bởi thế họ có thể đọc đi đọc lại một trang mà không hề nhận thức được điều đó.

Davis (1992, http://www.dyslexia.com/library/symptoms.htm) đã chỉ ra 37 dấu hiệu để nhận biết người mắc chứng mù từ được chia ra làm các tiểu mục để dễ nhận dạng như các dấu hiệu chung (thông minh, giỏi nghệ thuật, xem thêm danh sách những người nổi tiếng bị mù từ tại đây: http://www.dyslexia.com/qafame.htm), biết cấu âm nhưng không đọc tốt, viết tốt hay đánh vần tốt, lười; tự ti, dễ xúc động cũng như không thích kiểm tra, tiếp thu tốt thông qua trực quan v.v.); khả năng nhìn, đọc, đánh vần (thường kêu đau đầu, chóng mặt, đau bụng khi đọc, nhầm lẫn chữ cái, con số, từ, chuỗi sự kiện hay giảng giải bằng ngôn từ, có vẻ là mắt kém nhưng khi kiểm tra thị lực thì không phát hiện được nhưng cũng có những trường hợp rất tinh mắt hoặc thiếu khả năng cảm nhận chiều sâu v.v.); khả năng nghe, nói (có thể nghe được những cái không được nói ra hoặc những gì người khác không nghe được, dễ bị phân tán tư tưởng, có thể bỏ lửng câu, nói lắp nếu bị căng thẳng, phát âm sai các từ dài v.v.); kĩ năng viết (khó khăn khi viết hoặc sao chép, chữ xấu khó coi, chơi bóng hay các trò thể thao tập thể kém, có xu hướng mệt mỏi khi di chuyển, có thể lẫn lộn phương hướng như phải, trái hay trên dưới v.v.); khả năng toán và quản lí thời gian (khó khăn về giờ giấc, khi giải toán có thể nhẩm kết quả nhưng không biết cách giải trên giấy tờ, có thể đếm được nhưng thường hay gặp khó khăn khi phải tiếp xúc với tiền nong, có thể làm được các bài toán sô học nhưng có thể không hiểu được đại số hoặc toán cao cấp); trí nhớ và nhận thức (có trí nhớ tôt nhất là các sự kiện đã trải nghiệm, vị trí và gương mặt nhưng lại không nhớ được các chuỗi sự kiện và các thông tin nếu không qua trải nghiệm, tư duy bằng hình ảnh và tình cảm không cảm nhận qua âm thanh hay từ); Hành vi, sức khoẻ, phát triển và tính cách (hoặc rất vô tổ chức hoặc cực kì qui củ, hoặc rất “quậy” hoặc rất “hiền”, hoặc phát triển quá sớm hoặc quá muộn (nói, bò, đi), hay bị đau tai, nhạy cảm với đồ ăn nhất là các chất phụ gia hay thực phẩm hoá học, hoặc cực kì dễ ngủ hoặc cực kì khó ngủ, có thể bị đái dầm ở tuổi đã trưởng thành, hoặc không chịu đau được hoặc chịu đau rất giỏi, có ý thức cao về sự công lí, nhạy cảm và luôn luôn hướng tới sự hoàn thiện, khả năng mắc lỗi cao đáng kể trong trường hợp bị thúc ép thời gian, áp lực tinh thần hay sức khoẻ suy giảm).

Tóm lại, sự mù từ được đông đảo các nhà khoa học ngôn ngữ tâm lí học quan tâm, hiện chưa có một định nghĩa được mọi người chấp nhận mặc dù có những đặc điểm cũng như triệu chứng có thể giúp xác định người bị mắc chứng mù từ hay không. Chứng mù từ được nhìn nhận như những sự rối loạn khả năng học tập, có thể là do trục trặc trong não bộ, cũng có thể không. Một số coi nó là bệnh lí và một số khác thì không.
Tới đây chúng ta đã có thể tự tin để nhận dạng chứng mù từ và hoàn toàn có thể tìm ra các giải pháp giúp khắc phục những khiếm khuyết cho người mắc chứng mù từ, hoàn thiện hoá quá trình học tiếng nói chung và học ngoại ngữ nói riêng.

2. Lỗi ngữ âm phổ biến:

Trong các lớp học ngoại ngữ, người dạy thường được nghe các câu như sau của người Việt:

1. Njuda, ty zobonena? nu nadlo, poshni. – Liu da, ty zobolela? Nu ladno, poshli (Liuđa, bạn ốm à. Thôi được, bọn mình đi). Tiếng Nga. Không có sự hiện diện của /l/

2. I’d nike to go to Hoan Kiem nake. (I’d like to go to Hoan Kiem lake – Tôi muốn tới Hồ Hoàn Kiếm). Tiếng Anh. Không có sự hiện diện của /l/.

3. My sister nives in Haloi. (My sister lives in Hanoi). Chị/ em gái tôi sống ở Hà Nội. Lẫn lộn /l/ và /n/.

4. Se’s seen some seep. (She sees some sheep - Chị ấy đã nhìn thấy mấy con cừu). (không có sự hiện diện của /sh/)

5. I don’t fink I understand zat. (I don’t think I understand that – Tôi nghĩ là tôi không hiểu cái đó). Không có sự hiện diện của /th/.

6. I want to be a zeologist. (I want to be a geologist – Tôi muốn làm nhà địa chất học). Không có sự hiện diện của /d3/

7. Can I see your bassbort? (Can I see your passport? Mời trình hộ chiếu!). Không có sự hiện diện của /p/.

8. Nó thấy vẽ vàng. (Nó thấy bẽ bàng). Người Hàn Quốc nói tiếng Việt. Không có sự hiện diện của /b/. Hoặc /b/ được nhận dạng thành /v/

9. May I ask you some guestions? (May I ask you some questions? – Cho tôi hỏi vài câu.). Không có sự hiện diện của /q/

10. There are some pleise on the table. (There are some plates on the table – Trên bàn có mấy chiếc đĩa). Không có sự hiện diện của /t/

3. Mô tả các lỗi ngữ âm điển hình của người Việt theo khu vực phân bố địa lí.

Không cần phải khó khăn gì chúng ta dễ dàng nhận biết được các lỗi liệt kê trên đây khá phổ biến với từng vùng địa lí trên lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ, việc nhầm lẫn các âm:

3.1. /l/ và /n/ chỉ xảy ra với những chủ thể phương ngữ đồng bằng Bắc Bộ (Một số khu vực tại Hà Nội, Hà Tây, và đại bộ phận cư dân vùng Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh). Lỗi này thường không xảy ra đối với chủ thể phương ngữ miền Trung hoặc miền Nam Việt Nam. Lỗi này có thể xảy ra một chiều: /l/ thành /n/, /n/ giữ nguyên như “Cô Nan (Lan) cho tôi xin cốc nước”; hoặc /l/ giữ nguyên và /n/ thành /l/ như “cô Lan cho tôi xin cốc lước”, hoặc /l/ thành /n/ và /n/ thành /l/ như “Cô Nan cho tôi xin cốc lước”, “Bố em nên Hà Lội đã được lăm lăm rồi” (“Bố em lên Hà Nội đã được năm năm rồi”).

Đại bộ phận thì những sự nhầm lẫn này không gây hiểu lầm cho người Việt, trừ một số ít trường hợp khu biệt nghĩa như “tôi no lắm” và “tôi lo lắm”; hay khó khăn khi phân biệt tên riêng: ông Niêm hay ông Liêm; Hồ Đại Nải hay Hồ Đại Lải; Phố Nả hay Phố Lả v.v. Trường hợp sau cùng (tên riêng) luôn gây hiểu lầm cho những người thuộc các địa phương khác không mắc các “chứng” lẫn lộn trên.

Lỗi /l/ và /n/ thường được khai thác rộng rãi trên các sân khấu hài trong nước, nhất là khi người ta muốn khắc hoạ hình ảnh nông dân đồng bằng Bắc Bộ, ví dụ, các tiểu phẩm hài của Thuý Nga trên chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, hay các phim ảnh hiện đại như nhân vật Ôsin tỉnh lẻ trong phim “Của để dành”, hoặc tấu hài hải ngoại qua các tiểu phẩm hài Hoài Linh trên sân khấu Paris By Night. Những người có chức vụ phát biểu trên các phương tiện truyền thông nếu lẫn lộn /l/ và /n/ cũng có thể để lại những ấn tượng thiếu tích cực cho người nghe.

3.2. /q/ và /g/ chỉ xảy ra với những chủ thể phương ngữ từ Khánh Hoà trở vào Nam. Ở đây thường xảy ra một chiều: /q/ thành /g/ chứ không có trường hợp ngược lại. Ví dụ: “Mình tới cái guán (quán) kia đi!”

3.3. /p/ và /b/: Phổ biến với chủ thể ngôn ngữ Trung, Nam Bộ, nhưng có thể gặp ở một số những vùng khác không chỉ Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới. Hiện tượng này cũng thường xảy ra một chiều /p/ thành /b/ chứ không ngược lại. Điều này có thể dễ giải thích hơn bởi âm /p/ thực chất rất ít gặp với những từ thuần Việt (chủ yếu là những từ tượng thanh như píp píp – bíp bíp. Tuy nhiên trường hợp lẫn lộn giữa /b/ và /v/ của người Hàn Quốc có thể giải thích là do thiếu vắng phụ âm trong ngôn ngữ Hàn). Điều này có thể tương tự với những người nói tiếng Nhật.

3.4. Các trường hợp khác: /th/ và /t/, /f/; /gi/ và /d/; /st/ và /s/; /ts/ và /s/: không giới hạn ở khu vực địa lí nhưng là lỗi khá phổ biến đối với học sinh người Việt, do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. th – t: ảnh hưởng của con chữ và nhẫm lẫn âm thanh; /gi/ và /d/: không khu biệt trong tiếng Việt (Bắc Bộ); và /st/, /s/, /ts/ do đặc điểm bớt âm hoặc âm hoá tổ hợp phụ âm. Ví dụ: “stamp” thành “tem”, hay “Stalin” thành “Xít-ta-lin” v.v.

Những trường hợp phát âm không khu biệt trên, trừ /l/ và /n/ bị coi là “ngọng”, thường được nhìn nhận là những đặc điểm đặc biệt của các phương ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, khi những hiện tượng này được “giao thoa” sang một thứ tiếng khác ngoài tiếng Việt, chúng lập tức bị coi là những lỗi phát âm mà những lỗi này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới ý nghĩa của thông điệp giao tiếp, bởi vậy, cần phải được khắc phục.

Vậy những trường hợp của người Việt Nam bị lẫn lộn /l/, /n/ hay /p/, /b/ hay /Sh/ và /s/ có phải là bị mắc chứng mù từ hay không? Nếu câu trả lời là có thì những người này mắc chứng mù từ ở mức độ nào? Và hiện tượng này thuần tuý là do yếu tố sinh lí hay xã hội gây ra?

Khi trao đổi với những học viên, tạm coi là mắc chứng mù từ, họ đều trả lời một câu chung: không cảm nhận được sự khác biệt âm thanh của các âm đó. Đối với họ, /l/ hay /n/, /p/ hay /b/ đều có âm giống nhau và chỉ khác nhau theo con chữ (bởi thế mới có tên gọi con chữ là “nờ / lờ cao”, “nờ / lờ thấp”, “bê trên”, “bê dưới”). Chiếu theo các hiện tượng của người bị mù từ ở trên, chúng ta có thể khẳng định, những người này bị chứng mù từ (dạng âm thanh).

Trong số những học sinh bị chứng mù từ, có trường hợp nói giọng Nha Trang, sinh năm 1985. Bố mẹ người Thái Bình. Học sinh này không có khả năng phân biệt /b/ và /p/. Khi chúng tôi đọc chính tả cho em viết (bằng tiếng Anh), e viết đúng tất cả các từ mà em biết (pen, pan, pick up, people) và tỏ ra lúng túng thực sự trước các từ lạ (babble, battle, population, pollution). Tuy nhiên người em của học sinh này, được sống ở Thái Bình thì không mắc các lỗi /p/ và /b/, nhưng lại bị mắc lỗi /l/ và /n/ rõ rệt. Điều này chứng tỏ các lỗi ngữ âm này có thể mang tính xã hội cao, tùy theo cộng đồng ngôn ngữ từng vùng. Nếu xét từ bản chất sự việc - ở đây là không nhận dạng được sự khác biệt của một số âm – thì rõ ràng đây là biểu hiện của chứng mù từ.

Tính ảnh hưởng của cộng đồng ngôn ngữ còn thể hiện ở chỗ: có những người con dâu không “ngọng” /l/ và /n/, nhưng do sống trong môi trường ngọng /l/ và /n/ cũng dần dần mất khả năng phân biệt chúng và cũng bắt đầu nhầm lẫn vô thức mặc dù họ luôn khẳng định mình “không ngọng”. Phải chăng điều này cũng có ảnh hưởng tới hệ thần kinh, giống như những người say rượu nhưng bao giờ cũng nói: “tôi không say”? Có hay không ảnh hưởng của cộng đồng ngôn ngữ tới chứng mù từ thì còn phải chờ đợi các nhà ngôn ngữ học tâm lí vào cuộc.

Tuy nhiên, việc hầu hết các cư dân đồng bằng Bắc Bộ không khu biệt /l/ và /n/ khiến cho giả định “não bộ có vấn đề” là không thể xảy ra. Bởi vậy, cái định nghĩa mà chúng tôi thấy trong từ điển bách khoa Encarta có vẻ như chưa thực sự đúng, ít nhất là với tình hình “mù từ” tại các địa phương khác nhau của Việt Nam. Nhưng do hiện tượng /l/ và /n/ xảy ra trên diện rộng và có những hậu quả không tốt tới cá nhân người sử dụng và ảnh hưởng tới vấn đề duy trì sự trong sáng của tiếng Việt nên nhất thiết hiện tượng này cần phải được giải quyết triệt để tại các cơ sở đào tạo.

4. Cách khắc phục

Theo lẽ thường, khi bị đau đầu hay chóng mặt, người bệnh có thể tìm bác sĩ và bác sĩ làm nhiệm vụ kê đơn thuốc. Những người bị mù từ cũng có thể có một số biểu hiện bệnh lí như những người bình thường khác, bởi vậy, “cũng không có gì ngạc nhiên nếu “bệnh nhân” được kê đơn thuốc cho ADHD như Ritalin, strattera / concerta v.v. Họ cũng có thể gặp những thầy lang và được chữa chạy bởi các bài thuốc lá khác hoặc cũng có thể được tiến hành vật lí trị liệu như nhiều trung tâm y tế vẫn làm nếu họ gặp trở ngại về thị lực” (Abigail Mashail, http://www.dyslexia.com/qamethods.htm#990215). Tuy nhiên, mù từ như đã nói, không phải là một loại bệnh, và do đó, thuốc men không có ý nghĩa trong việc chữa chạy dứt điểm cho các triệu trứng do mù từ gây ra, ngược lại, còn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng do tạo thói quen lệ thuộc vào thuốc. Điều này còn tạo tâm lí nhờ thuốc mà bỏ qua tác dụng hữu hiệu khác: sự kiếm tìm các hỗ trợ giáo dục cần thiết để vượt qua những trở ngại của chính mình. Chứng mù từ là hệ quả của một kiểu tư duy và học tập đặc biệt, do đó tốt nhất nên giải quyết qua con đường tư vấn giáo dục hay kèm cặp cá nhân.

Ronald Davis là một người đã từng bị mắc chứng mù từ nặng. Vào những năm 80 của thế kỉ 20 ông đã bỗng dưng tìm ra được cách chữa trị cho bản thân mình và đưa ra một phương pháp có tên gọi là phương pháp Davis (Davis counselling approach - Lối tiếp cận tư vấn Davis). Với phương pháp này, người bị mù từ thường học cá nhân trong một khoá học khoảng 1 tuần lễ. Hiện nay trên thế giới có khoảng 170 trung tâm tư vấn và hỗ trợ giáo dục cho những người mắc chứng mù từ.

Đối với các học sinh ngoại ngữ, giáo viên cần phải hiểu rằng các bài tập luyện thuần tuý về âm thanh đối với học sinh mắc chứng mù từ (ngọng l - n, p-b) dường như không hiệu quả. Nếu chỉ đơn thuần bắt học sinh lặp lại âm thanh thì chắc chắn họ không làm được và chỉ gây nên sự lúng túng thêm cho họ mà thôi. Bởi thế ít nhất giáo viên cần làm một số việc sau trước khi luyện âm:

1. Xác định những trường hợp mắc chứng mù từ ngay từ buổi đầu tiếp xúc với học sinh (một bài tập ngữ âm đơn giản nhất là cho các học sinh đọc bảng chữ cái tiếng Anh hoặc tiếng Việt).

2. Chỉ rõ vị trí cấu âm của các âm hay nhầm lẫn. Ví dụ: /l/ được phát âm nhờ đầu lưỡi cong lên ép sát chân răng cửa hàm trên, hai bên vành lưỡi không nhất thiết phải ôm sát hai bên hàm răng trên. Trong khi đó /n/ có thể rụt đầu lưỡi vào khoang giữa miệng và đưa nó sát vào ngạc cứng và vành lưỡi hai bên ôm kín hai bên hàm răng trên. Khi học sinh đã phát đúng được từng âm, hãy dừng lại một chút để cho học viên ghi nhớ vị trí của lưỡi và hãy đặt cho âm đó một cái tên đơn giản: ví dụ: đầu lưỡi với âm /l/ và giữa lưỡi /n/. Vì như chúng ta đã biết, họ không phân biệt được sự khác nhau qua âm thanh. Bởi thế cần giúp họ tự định hướng vị trí của lưỡi. Hãy nói cho họ biết rằng, với họ các âm thanh đó giống nhau, nhưng với những người khác, chúng là những âm khác nhau hoàn toàn. Họ cần phải nhận thức rõ ràng là chúng không giống nhau và sự không giống nhau đó thể hiện ở vị trí cấu âm khác nhau của lưỡi.

Với trường hợp /p/ và /b/, cũng có thể tiến hành theo phương pháp tương tự. Hãy bắt đầu bằng âm /b/ trước và chỉ rõ vị trí cấu âm của /b/: hai môi mím chặt hơn, khi mím tối đa có thể không còn nhìn thấy vành môi. Tuy nhiên với âm /p/ tiếng Việt, học sinh chỉ việc nhìn theo môi của giáo viên: mím vào, mở ra nhẹ nhàng. Hãy để học sinh nhìn thấy qua gương và dừng lại đôi chút cho họ nhớ được vị trí của môi. Khi đó, chúng ta hãy đặt tên cho âm này là, ví dụ, “mím nhẹ”. Với /p/ tiếng Anh, hãy lấy thêm một tờ giấy và cho họ nhìn thấy tờ giấy bị rung mạnh khi chúng ta phát âm /p/. Khi đó, hãy đặt cho nó một cái tên “bật hơi” và đảm bảo họ sẽ nhớ được mỗi khi phát âm sai.

Đối với trường hợp các học sinh Hàn Quốc có sự lẫn lộn giữa /b/ và /v/, vị trí cấu âm cũng giúp giải quyết được dễ dàng. /b/ là do hai môi tạo thành, trong khi đó /v/ là do môi và răng tạo thành. Các bước tiến hành về cơ bản giống như trên.

3. Sau khi đảm bảo học viên nắm vững được sự khác biệt thông qua hệ thống cấu âm, giáo viên có thể tiến hành các bài tập luyện theo từ điển. Có thể yêu cầu học sinh tự luyện và chỉ tiến hành kiểm tra vào buổi học tiếp sau. Các bài tập luyện phải tiến hành thường xuyên tới khi học viên không còn lẫn lộn các âm này nữa.

4. Các biện pháp khác: Giáo viên cần phải kiên trì và kiên định trong việc giúp học viên chiến thắng lại những khó khăn của chính mình, kể cả khi phải dùng một số các chiến thuật giao tiếp khác. Chẳng hạn, một trường hợp lẫn lộn /l/ và /n/ cực nặng, giáo viên đã phải nói: người được đi học phải thuộc đẳng cấp khác với những người không được đi học. Nếu được đi học thì không nên lẫn lộn hai âm /l/ và /n/. Kết quả là, học sinh đó đã nỗ lực hết mình để chứng tỏ mình thuộc đẳng cấp khác. Và em học sinh đó đã thành công sau tuần học đầu tiên.

5. Với các trường hợp nhầm lẫn thanh điệu tiếng Việt cũng có thể tiến hành tương tự nhưng theo mô hình diễn tả âm thanh: đầu tiên bằng hình ảnh minh hoạ theo các dấu tượng trưng: lên, xuống, cao, thấp. Sau đó có thể dùng cử chỉ, điệu bộ giống như người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc, đảm bảo người học sẽ nhanh chóng khắc phục được những lỗi thanh điệu phổ thông.

Trên đây tôi đã trình bày sơ lược về chứng mù từ của người Việt thường gặp. Chứng mù từ ở Việt Nam mang tính phân vùng địa lí cao. Thường người học ngoại ngữ bị giao thoa các lỗi cơ bản do ảnh hưởng của tiếng địa phương. Chứng mù từ được thể hiện ở các vùng địa lí khác nhau với các lỗi ngữ âm khác nhau và tất cả đều có thể giải quyết thông qua giới thiệu vị trí cấu âm. Với mù thanh điệu, có thể giải quyết bằng hình ảnh hoặc động tác. Chứng mù từ hiện chưa được quan tâm giải quyết triệt để tại các trường học do đó mới có hiện tượng “mù từ” trên diện rộng. Thái độ xã hội đối với người bị mù từ chỉ thể hiện qua ngọng /l/ /n/ còn tất cả các hiện tượng khác chỉ thuần tuý coi là đặc điểm của phương ngữ. Các cơ sở giáo dục ngôn ngữ cần phải có thái độ nghiêm túc trong việc đào tạo giáo viên, có vậy mới hi vọng giải quyết được triệt để những hiện tượng lỗi ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng do chứng mù từ gây ra.

No comments: