Phẩm chất của một dịch giả là gì?
Dịch giả Dương Tường: Thiếu thời của tôi ở trong không gian Văn hoá Pháp
Cập nhật lúc 10h00" , ngày 12/01/2009 -
(VnMedia) – Không muốn “phát biểu” nhiều về Huân chương Văn hoá Nghệ thuật Pháp mà ông sẽ được vinh danh vào ngày 16/01 tới vì sợ không khách quan. Nhưng câu chuyện về tấm lòng yêu văn học, nghệ thuật, yêu nền văn học Pháp cũng dần dần được dịch giả bộc lộ qua câu chuyện rất thú vị vào một buổi trưa thanh tĩnh tại căn nhà của ông ở phố Phan Huy Chú.
- 80 năm tuổi đời và có đến gần 60 năm tuổi làm công việc dịch thuật văn học Anh, Pháp, Nga… nhưng dường như trong số ấy, Văn học Pháp vẫn luôn nhận được sự ưu ái riêng của dịch giả?
Thật ra tôi không được đào tạo trường lớp gì cả. Năm 14 tuổi tôi bỏ học đi theo cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao giờ trong balô của tôi cũng có từ điển tiếng Pháp và tiếng Anh.
Có một điều anh em trong đoàn đều nhớ là khi hạ đồn địch nào, trong khi anh em đi thu chiến lợi phẩm thì tôi đi tìm sách. Tôi coi đó là chiến lợi phẩm của riêng mình. Khi hoà bình, tôi rời khỏi bộ đội về thông tấn xã, thì lại tiếp tục tự học. Tôi toàn tự học ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Thông tin… Nên có thể nói trường học của tôi chính là thư viện. Tôi học nhặt nhạnh như người ta đi mót lúa.
Tôi bắt đầu dịch những tác phẩm đầu tay hoàn chỉnh vào năm 26 tuổi và đó là một cuốn của văn học Nga. Sau đó, tôi dịch nhiều hơn những tác phẩm văn học Pháp. Tôi mày mò đọc những tác phẩm kinh điển của Pháp như của Vichto Huygo, Banzac, Rút xô… Và điều thúc đẩy tôi chính là lòng yêu văn chương nghệ thuật. Cả thiếu thời của tôi ở trong không gian Văn hoá Pháp.
- Đi đánh Pháp nhưng lại yêu văn học Pháp và tự nhận là mình được “nuôi dưỡng bằng văn hoá Pháp”. Có nghịch lý nào ở đây không thưa dịch giả?
Nghiên cứu và dịch thuật các cuốn văn học Pháp, tôi nhận thấy tinh thần rất nhân văn của những đại văn hào Pháp là lên tiếng chống lại tất cả những gì áp bức, xúc phạm đến nhân phẩm, những nước lớn chèn nước nhỏ. Đấy là những tinh thần mà tôi tiếp thu được ở Văn học Pháp.
Cho nên bạn có thể thấy nghịch lý ở chỗ, mặc dù tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng tôi lại mang trong lòng một tình cảm đặc biệt ưu ái học hỏi những tinh tuý của nền văn học nghệ thuật Pháp. Nhưng cũng vì yêu chính cái tinh tuý đó lại là động lực thúc đẩy tôi đi đánh Pháp.
- Điều gì khiến dịch giả thấy mình bị thu hút bởi những tác phẩm kinh điển của Pháp trong khi các nền văn học khác cũng rất phát triển và có nhiều thành tựu?
Với văn học Pháp, tôi tìm những tác giả là trụ cột văn học và tư tưởng Pháp. Về tư tưởng dân chủ thì tôi tìm Rút-xô, Vôn-te…, còn văn học kinh điển thì tìm Banzac, Vichto Huygo…
Sau thời gian dịch thuật tiếng Pháp, tôi cũng có chuyển sang dịch tiếng Anh. Bởi vì các nền văn học khác hầu như cũng đều được dịch thông qua thứ tiếng này. Vì thế nên qua tiếng Pháp tôi có thể biết đến văn học Mỹ, Đức, Nhật Bản.
Có thể nói nền văn học Pháp có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Việt Nam. Nếu không có văn học Pháp chúng ta sẽ không có Thơ Mới với những tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu… Nếu không có văn học Pháp thì không có Tự lực Văn đoàn. Tiếp tục, những người của thế hệ sau đều chịu ảnh hưởng văn học Pháp hết. Trong sự nghiệp dịch thuật của tôi, thì văn hoá Pháp cũng chiếm tới phân nửa, khoảng 20 trên 50 cuốn tôi đã dịch.
"Cây" thơ Dương Tường tại Ngày thơ Việt Nam 2008
- Người ta biết tới, những cuốn sách mà dịch giả Dương Tường dịch thuật và hiệu đính luôn đạt ở mức độ chuẩn nhất. Dịch giả có đặt ra cho mình một nguyên tắc làm việc nào không?
Tôi làm việc rất kỹ với các sản phẩm của mình. Tất cả các tác phẩm đều không qua ai hiệu đính mà tôi làm thật kỹ càng, hoàn chỉnh thì mới giao. Có những nhà xuất bản khi họ làm biên tập có chỗ có ý kiến thì họ để nghị tôi sửa lại chứ họ cũng không sửa được. Tôi không đặt cho mình một mẫu số chung nào trong công việc này. Thường thì tôi dịch đoạn nào xong đoạn đó. Khi đặt bút chấm hết nghĩa là hoàn chỉnh.
Tuỳ tác phẩm khó hay dễ mà tôi dành cho nó thời gian ngắn hay dài để hoàn chỉnh. Có những cuốn 200 trang tôi dịch một tháng là xong nhưng có những cuốn rất khó, dịch cả năm cũng không hoàn thành nổi. Ngay như hiện tại tôi đang dịch một cuốn “Chết chịu” của Mortà Ce’line cũng rất khó, đánh vật từng trang một. Đây là cuốn sách đã được nhiều người dịch nhưng chỉ được vài chục trang là họ bỏ. Vì cuốn đó rất khó, như đi vào mê cung câu chữ mà suốt 5 tháng qua tôi cũng mới chỉ dịch được 200 trang.
- Sau thời của dịch giả, dường như văn học Việt Nam đang thiếu vắng một thế hệ các dịch giả trẻ cho văn học Pháp?
Ở cùng thời của tôi giờ chỉ còn lại vài người còn theo đuổi dịch văn học Pháp. Còn thế hệ trẻ thì hiện nay chỉ có mỗi Cao Việt Dũng. Có lẽ bây giờ người ta theo trào lưu luôn thích văn học Mỹ hơn, thực tế hơn vì mọi người đua nhau học tiếng Anh nhiều hơn tiếng Pháp. Và hơn nữa, đa số họ học tiếng Anh, tiếng Pháp để làm giao tiếp, kinh doanh còn học vì văn chương, vì văn học thì ít.
- Yêu văn học nghệ thuật và dành cả đời cho sự nghiệp dịch thuật những tác phẩm kinh điển ở các nền văn học lớn, đặc biệt là Pháp, dịch giả có thể chia sẻ được cảm xúc của mình khi được vinh danh với Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp?
Tôi cũng đã trả lời báo chí về việc này và nói chung tôi cảm thấy mình thật vinh dự khi được đất nước Pháp trao tặng cho tôi danh hiệu cao quý Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (Officier des Arts et des Lettres).
Tôi cũng chỉ muốn nói, động lực làm việc chính của tôi là vì tôi yêu văn học, yêu nghệ thuật. Hơn nữa, tôi muốn đóng góp cho nền văn học Việt Nam bằng những cái tinh tuý của thế giới để đem đến cho công chúng và những người làm nghề ở Việt Nam biết thêm, mở rộng chân trời tri thức.
Xin cảm ơn dịch giả Dương Tường!
Thiên Lam
No comments:
Post a Comment